Tận dụng tối đa nguồn lao động chất lượng cao đang làm việc ở nước ngoài In trang
06/12/2020 10:18 SA

(ĐHXIII) – Theo Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

 

Về kết quả  thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020:

Đa số ý kiến bày tỏ vui mừng, đánh giá cao kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao; đất nước có những chuyển biến lớn rất tích cực, đáng tự hào. Đời sống người dân thay đổi nhanh chóng, các điều kiện sinh hoạt, học tập, y tế và lao động nâng cao rõ rệt, vai trò Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Về đánh giá bối cảnh  tình hình, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới để làm nổi bật những diễn biến phức tạp của tình hình.

Về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược, hầu hết các ý kiến đều cho rằng dự thảo đã phản ánh đầy đủ, đúng, sát với thực tiễn. Một số đề nghị, nên đề cập thêm những bất cập hạn chế trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật khi thời gian qua nhiều quy định của pháp luật không phù hợp với thực tiễn, công tác làm luật còn nhiều khiếm khuyết, việc chấp hành pháp luật cũng còn nhiều vấn đề. Dự thảo văn kiện cần có cơ chế để người dân làm chủ, đồng thời làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cần mở rộng phạm vi, vai trò của Mặt trận nhất là trong hoạt động giám sát phản biện xã hội để Mặt trận làm hết khả năng, năng lực của mình trong thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao.

Có ý kiến đề nghị bổ sung kết quả về công tác hội nhập quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việt Nam đã tích cực tham gia các công ước quốc tế về các vấn đề này. Đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu tháng 6/2018. Đã khởi xướng sáng kiến kiểm soát rác đại dương được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam là một trong  những quốc gia đầu tiên trình nộp báo cáo cập nhật về đóng góp giảm rác thải tự nhiên cho Ban thư ký Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

 Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung một số hạn chế như: một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được; tình trạng không cân đối về cơ cấu kinh tế (vùng, miền, ngành, vốn) còn cao; nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý, dự báo tình hình ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Có ý kiến đề nghị đánh giá về hạn chế, yếu kém và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nên bổ sung đạt ngưỡng báo động sau ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố lớn gia tăng để thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Vấn đề nước biển xâm nhập mặn và nguồn nước Sông Mê Công có thể tác động tiêu cực nghiêm trọng đến an ninh lương thực, môi trường sống của hàng triệu người.

Về tổng kết thực hiện Chiến lược, một số ý kiến đề nghị rà soát và đánh giá chi tiết hơn việc thực hiện từng mục tiêu cụ thể của giai đoạn này; đồng thời phân tích sâu hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chưa đạt được một số mục tiêu (ví dụ năm 2020 tăng trưởng thấp do COVID-19, nhưng giai đoạn 2011-2019 vẫn tăng tưởng thấp hơn mục tiêu thì do nguyên nhân nào). Đồng thời đánh giá sâu hơn về dịch chuyển cơ cấu 3 lĩnh vực kinh tế trong 10 năm qua, xác định mức độ công nghiệp hoá hiện nay của nước ta để có căn cứ xem xét sự phù hợp của mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Về Chiến lược phát  triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030:

Một số ý kiến cho rằng mục tiêu tổng quát đã thể hiện rõ, phù hợp, bảo đảm tính bao quát và khả thi, tuy nhiên trước mắt chỉ nên tập trung vào mục tiêu đến năm 2035; riêng mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao cần cân nhắc và chỉnh sửa sau này; chưa nên đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển trong Chiến lược 10 năm vì sẽ hạn chế các nguồn đầu tư, các ưu tiên từ các quốc gia phát triển, tổ chức quốc tế; cần được đánh giá cụ thể và đưa giải pháp giảm khoảng cách lớn giữa miền núi và thành thị trong công tác chăm sóc y tế; mong muốn có nhiều hơn các chính sách, đãi ngộ để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, tránh tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay; quản lý tốt mạng xã hội; cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho các cấp học phổ thông, giáo trình cho học nghề, cao đẳng, đại học. Một số ý kiến đề nghị bổ sung tỷ lệ phần trăm người dân sử dụng điện thoại di động, kết nối internet, tỷ lệ che phủ rừng, lượng khí thải nhà kính, rác thải và tỷ lệ xử lý rác thải, tỷ lệ các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường cũng như nên đưa ra các con số định lượng về kết quả đạt được.

 Về mục tiêu phát triển đề cập hai phương án: Có nhiều ý kiến cơ bản lựa chọn phương án “Đến 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét lại chỉ tiêu về kinh tế “Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%”. Với nền tảng và quy mô kinh tế hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, tác động đến phát triển kinh tế thậm chí 1, 2 năm nữa, nên tiêu chí tăng trưởng 7% là cao, chúng ta nên đặt ra mục tiêu đủ sức để có thể đạt được.

Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, có ý kiến đề nghị cần có những phân tích đánh giá sát thực chất, khách quan về bất cập trong quản lý nhà nước dẫn đến thất thoát lãng phí, nhất là trong những dự án giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài. Chỉ đạo phát triển kinh tế vùng, ngành chưa rõ ràng. Diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp. Chúng ta từ một nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới, tương lai liệu có đối mặt với tình trạng thiếu gạo do quy mô dân số tăng tương đối nhanh và nhu cầu lương thực lớn, Chiến lược phát triển kinh tế cần quan tâm quy hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý, phù hợp xu thế, nhu cầu tránh tình trạng nông dân ồ ạt trồng điều, trồng tiêu, trồng vải… rồi lại ồ ạt phá bỏ do không tiêu thụ được.

Đa số ý kiến nhất trí với ba đột phá chiến lược nêu trong dự thảo Báo cáo, các ý kiến cho rằng đã phản ánh đầy đủ những trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện trong 10 năm, và nhất trí với nội hàm “phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, “ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin”, “hạ tầng ứng phó, biến đổi khí hậu”. Những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN đã được đề cập chi tiết, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, tuy nhiên cần phải có những chiến lược bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong việc điều tiết quyền sở hữu đất đai, không để hiện tượng bong bóng đầu cơ xảy ra như trong nhiều năm gần đây.

Một số ý kiến nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thị trường quyền sử dụng đất; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân

Nhiều ý kiến nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về văn hoá, xã hội; các biện pháp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, chính sách tiền lương; hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; xây dựng nền văn hoá, đạo đức con người Việt Nam; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ… Một số ý kiến đề nghị bổ sung việc phát triển nguồn nhân lực, giáo dục cần chú trọng vào xây dựng con người Việt nam yêu nước, bản lĩnh vững vàng, đủ tâm, tài, tầm để thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Cần tận dụng tối đa nguồn lao động chất lượng cao đang công tác và làm việc ở nước ngoài, để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có thời gian làm việc, tích luỹ kinh nghiệm ở nước ngoài và có thể cống hiến cho các công ty, tổ chức của Việt Nam.

Nhiều ý kiến nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số ý kiến nêu chế tài xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải nghiêm khắc hơn; ngoài trách nhiệm hành chính, hình sự, doanh nghiệp gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại toàn bộ cho người dân bị ảnh hưởng. Việc bảo vệ môi trường, định hướng dùng công nghệ sạch là rất quan trọng cho tương lai, tránh biến Việt Nam là bãi thải của thế giới. Hạn chế nhập các phế liệu, ô tô cũ từ các nước phát triển, nên có tầm nhìn cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Có chế tài với những sai phạm ô nhiễm môi trường nông nghiệp như phân bón giả, kém chất lượng, định hướng các vùng nông nghiệp chuyên biệt, không chồng chéo các sản phẩm, đề cao sản xuất an toàn, chất lượng./.

Lượt xem: 1.610
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003888617
  •  Đang online: 91
  •  Trong tuần: 21.094
  •  Trong tháng: 103.336
  •  Trong năm: 1.189.992