Chi bộ các vấn đề xã hội góp ý dự thảo các văn kiện trình đại hội Đảng lần thứ XIII In trang
14/04/2020 01:42 CH

Tại Đại hội Chi bộ Các vấn đề xã hội nhiệm kỳ 2020-2022, Chi bộ Các vấn đề xã hội thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện Hướng dẫn số 60 - HD/VPTW ngày 17/01/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng về tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 76-KH/ĐU ngày 20/12/2019 của Đảng ủy cơ quan về đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tiến tới đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Công văn số 925 - CV/ĐU ngày 10/3/2020 của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội về việc thảo luận, góp ý văn kiện đại hội, Chi ủy, Chi bộ Các vấn đề xã hội (Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội) đã gửi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đến tất cả các đảng viên trong Chi bộ để nghiên cứu và tham gia ý kiến.

Tại Đại hội Chi bộ Các vấn đề xã hội nhiệm kỳ 2020-2022, Đại hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội Chi bộ Các vấn đề xã hội nhiệm kỳ 2020-2022 được Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội chọn làm Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về xã vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, về cơ bản các ý kiến của đảng viên Chi bộ thống nhất với nội dung dự thảo trong các văn kiện. Kết cấu của các báo cáo dễ theo dõi thể hiện được quá trình phát triển đất nước, phản ánh đúng tình hình khách quan, thể hiện tầm vóc, vị thế của dân tộc trong thời đại; chỉ đúng nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, biện pháp phát triển đất nước trong tương lai.

Góp ý về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, Chi bộ Các vấn đề xã hội đề nghị cân nhắc nội dung “kinh tế vĩ mô ổn định tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực” trong đánh giá tổng quát nhiệm kỳ Đại hội XII. Bởi cần cân nhắc có tăng trưởng liên tục không khi 5 năm qua có biến động về tăng trưởng và đặc biệt năm 2020, khi ngay từ đầu năm đã bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và tình hình khô hạn, nhiễm mặn miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long và tăng trưởng có nhanh nhất khu vực không.

Trong công tác cán bộ, đề nghị phải thực sự “khách quan, dân chủ” mới có thể bố trí đúng người có năng lực, trình độ và đảm bảo khách quan không bè phái, thể hiện tinh thần "ý Đảng lòng dân" thay cho “then chốt của then chốt”. Thể hiện dân chủ để nâng chất lượng công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực. Một trong những điểm nghẽn của dân chủ cần được khai thông là những quy định về quy hoạch và bầu cử. Chi bộ Các vấn đề xã hội cho rằng, vấn đề này cần rà soát, đánh giá tồn tại, vướng mắc do đâu dẫn đến trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, thậm chí số cán bộ vi phạm kỷ luật và bị kỷ luật ngày càng nhiều.

Trong nội dung về tổ chức bộ máy, cần nghiên cứu, xây dựng đề án, những nguyên tắc, phân tích chức năng, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước khi đưa ra cải cách để tránh cực đoan, thiếu cơ sở khoa học. Lộ trình cải cách bộ máy cần ưu tiên thay đổi ở những bộ phận, tổ chức gây cản trở trực tiếp, đặc biệt đối với môi trường kinh doanh. Phân cấp Trung ương, địa phương trong bộ máy nhà nước cần chuyển từ cách tổ chức các cấp chính quyền hoàn toàn tương tự nhau sang phân công rõ rãng chức năng, nhiệm vụ cho từng cấp đề tránh chồng lấn, mất nhiều thời gian giải quyết. Ưu tiên là phân cấp ngân sách rồi đến các lĩnh vực khác (theo từng bộ, ngành).

 

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban về xã vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bí thư Chi bộ Các vấn đề xã hội nhiệm kỳ 2020-2022 Đặng Thuần Phong trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Góp ý về đổi mới kinh tế (Mục III), cần nghiên cứu và quy định trong các văn bản quy phạp pháp luật về vấn đề sở hữu: các lĩnh vực Nhà nước cần phải độc quyền; các lĩnh vực, địa bàn không có đầu tư nước ngoài. Cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (nhà nước cần giữ: kết cấu hạ tầng, cảng biển, càng hàng không, đường dây truyền tải điện, cung cấp nước sạch, thoát nước, chiếu sáng đô thị công viên…để tránh mâu thuẫn lợi ích giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, tư nhân cung cấp nước sạch thì đề nghị nhà nước phải bù lỗ).

Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ (Mục V và VI), Chi bộ Các vấn đề xã hội cho rằng  Đảng cần đề ra giải pháp giám sát việc phân bổ và quyết toán ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ và giáo dục đảm bảo tỷ lệ đề ra.

Cần phải đánh giá xem xét lại có phải nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo không. Hiện nay, nước ta đang chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, do vậy cần có những đánh giá hiệu quả của mô hình này.

Nhà nước tập trung phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, khuyến khích tư nhân phát triển giáo dục đại học và dạy nghề dưới hình thức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Tập trung các giải pháp chống mù chữ và tái mù chữ.

Trong khoa học, áp dụng cách phân bổ mang tính đặc thù khác với chi hành chính (Mở rộng mô hình quỹ khoa học công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm bằng cách đánh thuế thu nhập hợp lý đề có nguồn đầu tư).

Về lĩnh vực y tế, cần có những chính sách tương tự như giáo dục, nhà nước chịu trách nhiệm về các dịch vụ cơ bản cho đa số người dân, bù đắp chi phí nhưng phi lợi nhuận, còn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực cao cấp.

Góp ý về nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam (Mục VII), Chi bộ Các vấn đề xã hội cho rằng cần quy định cơ chế, chính sách, chế tài trong việc cưới, tang lễ bảo đảm văn hóa truyền thống nhưng tránh phô trương hình thức, lãng phí. Nên nhấn mạnh vấn đề này để triển khai thực hiện toàn quốc.

Ngoài những nội dung trên, Chi bộ Các vấn đề xã hội cũng góp ý về tóm tắt dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; tóm tắt dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2025 và nhiều nội dung cụ thể khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị trong thời gian tới, các đảng viên trong Chi bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để có văn bản góp ý hoàn thiện gửi Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội./.

Bảo Yến

Lượt xem: 1.927
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003891801
  •  Đang online: 70
  •  Trong tuần: 24.278
  •  Trong tháng: 106.520
  •  Trong năm: 1.193.176