Kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 In trang
08/09/2020 09:40 SA

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (viết tắt là Chỉ thị 35) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; đến nay, các đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (viết tắt là cấp trên cơ sở) trong toàn Đảng đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.


 

99% đảng bộ đã hoàn thành đại hội

Tính đến hết ngày 31-8-2020, có 1.298/1.311 đảng bộ đã hoàn thành đại hội (chiếm 99,0%), trong đó có 6 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo hoàn thành 100% trong tháng 7-2020 (Quân đội, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ). Hầu hết các đảng bộ đều hoàn thành đại hội trong nửa đầu tháng 8-2020; một số tỉnh ủy đã nỗ lực khắc phục khó khăn của bệnh dịch để lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ tổ chức thành công đại hội (Hải Dương, Quảng Nam, Phú Yên).

Các đại hội đều tiến hành đủ 4 nội dung, đại đa số các đảng bộ tổ chức đại hội trong thời gian 2 - 2,5 ngày, một số nơi diễn ra trong 1,5 ngày.

Nhìn chung, các đại hội đã dành thời gian hợp lý cho thảo luận các dự thảo văn kiện và nhận được nhiều ý kiến phát biểu đồng tình. Nhiều ý kiến tham gia thẳng thắn, tâm huyết, phân tích làm sâu sắc hơn những chuyển biến tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ, nhất là công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái. Các ý kiến tham gia, đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Trung ương, cấp trên trực tiếp được cấp ủy tổng hợp đầy đủ và báo cáo trước đại hội.

Tổng số cấp ủy viên bầu được là 36.954 đồng chí; trong đó: số tái cử 27.690 (chiếm 74,9%); tham gia lần đầu 9.264 (25,1%); nữ 6.376 (17,3%); dưới 40 tuổi 5.469 (14,8%); cán bộ người dân tộc thiểu số 3.995 (10,8%). Số bầu thiếu so với số lượng đại hội quyết định là 828 đồng chí (2,2%); số không tái cử là 352 (1,3%). Số dư trong danh sách bầu đạt 11,5%. 

Số cấp ủy viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên là 36.746 (chiếm 99,4%); trong đó, có 939 tiến sỹ (2,5%),12.068 thạc sỹ (32,7%). Số cấp ủy viên có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân là  32.175 (87,1%). Tuổi trung bình 46,2.

Nhiều đảng bộ có cán bộ nữ, trẻ dưới 40 tuổi trúng cử cấp ủy chiếm tỷ lệ cao, vượt yêu cầu của Chỉ thị 35.

Tổng số ủy viên ban thường vụ bầu được là 11.071 đồng chí; trong đó: số tái cử 8.477 (chiếm 76,6%); tham gia lần đầu 2.594 (23,4%); nữ 1.459 (13,2%); dưới 40 tuổi 942 (8,5%); cán bộ người dân tộc thiểu số 1.208 (10,9%). Số bầu thiếu so với phương án nhân sự 420 (3,7%); số không tái cử 54 (0,6%). Số dư trong danh sách bầu đạt 13,5%. Tuổi trung bình 48,3.

Tổng số bí thư cấp ủy bầu được là 1.141 đồng chí; trong đó: số tái cử 926 (chiếm 81,2%); tham gia lần đầu 215 (18,8%); nữ 91 (8,0%); dưới 40 tuổi 47 (4,1%); cán bộ người dân tộc thiểu số 86 (7,5%). Có 456 đồng chí không phải người địa phương (40,0%); 122 đồng chí được bầu trực tiếp tại đại hội; 40 đảng bộ chưa bầu bí thư do chưa chuẩn bị được nhân sự, sẽ kiện toàn sau đại hội. Tuổi trung bình 48,9.

Tổng số phó bí thư cấp ủy bầu được là 2.054 đồng chí; trong đó: số tái cử 1.513 (chiếm 73,7%); tham gia lần đầu 541 (26,3%); nữ 177 (8,62%); dưới 40 tuổi 121 (5,9%); cán bộ người dân tộc thiểu số 222 (10,8%); số bầu thiếu so với phương án nhân sự 111 (5,2%). Tuổi trung bình là 49,1.

Các đại hội đã bầu được 23.920 đại biểu chính thức và 2.191 đại biểu dự khuyết đi dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục, đủ số lượng, cơ cấu theo quyết định phân bổ của cấp ủy cấp trên.

Hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội được ban hành kịp thời, cơ bản phù hợp, sát thực tế, nội dung rõ ràng, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện ở các cấp.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể hóa phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau đại hội được quan tâm.

Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tập hợp được trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều báo cáo thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc; đánh giá khách quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020; đồng thời, quán triệt quan điểm, định hướng lớn của cấp trên, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tình hình mới.

Không khí thảo luận ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ, phát huy dân chủ, đoàn kết; tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Nhiều cấp ủy làm tốt công tác hướng dẫn thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện của Trung ương và cấp ủy cấp trên.

Công tác nhân sự nhìn chung đã được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch. Việc bầu cử tại đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử. Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng đề án, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, dưới 40 tuổi nói chung vượt yêu cầu Chỉ thị 35 đề ra. Hầu hết các đại hội bầu một lần đủ số lượng cấp ủy và đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên. Các đồng chí trúng cử đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, hầu hết trong quy hoạch; trình độ lý luận chính trị, chuyên môn so với nhiệm kỳ trước được nâng lên. Các đại hội đều thực hiện việc lấy phiếu giới thiệu của đại hội về nhân sự bí thư cấp ủy trước khi bầu bí thư cấp ủy theo quy định.

Việc thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy được quan tâm chỉ đạo mở rộng so với nhiệm kỳ trước. Các đồng chí bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều đồng chí đạt 100%. Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương được quan tâm đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.

Công tác tổ chức, điều hành đại hội và phiên họp thứ nhất của cấp ủy khóa mới được thực hiện đúng quy chế, quy định và bám sát phương án nhân sự được chuẩn bị. Công tác bầu cử được tiến hành khoa học, chặt chẽ với thời gian được rút ngắn, kết quả kiểm phiếu chính xác.

Tuy nhiên, báo cáo chính trị ở một số nơi còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu; một số nơi đánh giá chưa toàn diện, thiếu tính khái quát, chưa đi sâu phân tích những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tới, thiếu những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số nơi chưa sâu sắc, toàn diện và chưa đề ra được các giải pháp cụ thể.

Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy còn có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị; một số nơi chưa đi sâu kiểm điểm việc thực hiện các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo, quy chế làm việc của cấp ủy; việc đổi mới phương pháp, lề lối làm việc hiệu quả; chưa chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể cấp ủy. Vẫn còn một số cấp ủy chưa đề cao tính chiến đấu, có biểu hiện nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình.

Báo cáo tổng hợp, tiếp thu ý kiến thảo luận vào các dự thảo văn kiện của Trung ương và của cấp ủy cấp trên trực tiếp ở một số đảng bộ còn chưa rõ nội dung, không có giải trình hoặc giải trình chưa thực sự thuyết phục.

Việc thảo luận tại đại hội ở nhiều nơi chưa thực sự sôi nổi, tranh luận còn ít. Một số bài tham luận còn nặng về báo cáo thành tích, nội dung chủ yếu nói về công tác chuyên môn của đơn vị, chưa chú trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có cán bộ chủ chốt tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc bí thư, phó bí thư; một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội, gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là: Một số cấp ủy chưa thực sự nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, nhất là những nội dung mới về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của một số cấp ủy chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng và giải quyết chưa dứt điểm những vướng mắc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ, còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn, có nơi còn biểu hiện chủ quan, cục bộ, vận động, gượng ép, giới thiệu nhân sự chưa thực sự có tín nhiệm cao.

Một số cấp ủy chưa lường hết được những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để có giải pháp bảo đảm tiến độ đại hội theo quy định.


Năm bài học kinh nghiệm
Một là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hai là, bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong công tác nhân sự đại hội theo phương châm “làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”. Chủ động nắm chắc tình hình nhân sự, kịp thời xử lý các tình huống ngoài dự kiến.

Ba là, đổi mới phương pháp điều hành trong việc lấy ý kiến tham gia vào dự thảo văn kiện đại hội; chú trọng gợi ý thảo luận sâu, tập trung vào những nội dung mới, khó hoặc những vấn đề còn ý kiến khác nhau, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp đột phá.

Bốn là, chủ động dự báo để có phương án ứng phó, giải quyết có hiệu quả đối với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai… gắn với việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.

Năm là, khi xử lý các tình huống phát sinh trong tổ chức đại hội, nhất là trong công tác nhân sự, bầu cử phải luôn giữ vững và thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo phương châm đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, xem xét, xử lý từng vấn đề độc lập trong tổng thể vướng mắc, làm đến đâu gọn đến đó, kiên quyết không vì khó khăn trước mắt mà để xảy ra tình trạng lấy sai để sửa sai.

Lượt xem: 1.678
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003891030
  •  Đang online: 122
  •  Trong tuần: 23.507
  •  Trong tháng: 105.749
  •  Trong năm: 1.192.405