Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II In trang
04/12/2020 10:24 SA

(ĐCSVN) - Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Quang cảnh Đại hội

Sáng 5/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra phiên khai mạc trọng thể Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II - năm 2020, với sự tham dự của 1.593 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào DTTS của cả nước.

Dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân, doanh nhân, người có uy tín, các vị đại biểu - khách quý trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội nêu rõ: Hòa chung không khí vui mừng phấn khởi, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, chúng ta long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”.

Thực hiện Chỉ thị 35/CT-TW của Ban Bí thư về Đại hội các dân tộc thiểu số và Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 22/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tạo điều kiện phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, vững tin hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Đại hội

Đại hội cấp tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử được 1.592 đại biểu ưu tú về dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đủ đại diện của cả 54 dân tộc, đại diện lãnh đạo các cấp, nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ, tướng lĩnh quân đội, công an, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín... thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng góp vào thành công của Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Niềm tin được nhân lên gấp bội khi mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 130 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh. Đặc biệt là giải quyết những vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt..., tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển, giảm dần, tiến tới không còn xã, thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2030.

Đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ: Đại hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận Báo cáo chính trị của Đại hội, với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”; nghe báo cáo của các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Đại hội sẽ được lắng nghe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội.

Tham dự Đại hội có 1.592 đại biểu ưu tú đại diện cho 54 dân tộc anh em

Báo cáo Chính trị tại Đại hội cho biết, 10 năm qua, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Nhờ đó, bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn ĐBKK giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%.

Đã thu hẹp một bước địa bàn KT-XH ĐBKK. Giai đoạn 2015 - 2019, đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, trong đó trên 95% số km được cứng hóa; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 65,8% xã, 76,7% thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,29%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 222 xã từ ĐBKK đã đạt chuẩn...

Các mục tiêu đề ra tại Đại hội lần thứ nhất cơ bản đã đạt được. Tinh thần đại đoàn kết các dân tộc luôn được thắt chặt và phát huy, niềm tin đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố vững chắc…

Tiếp tục cập nhật…

(Dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.365
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003890217
  •  Đang online: 89
  •  Trong tuần: 22.694
  •  Trong tháng: 104.936
  •  Trong năm: 1.191.592