Vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế In trang
17/02/2021 10:20 CH

(ĐHXIII) – Đối ngoại nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã đề ra các giải pháp chủ động linh hoạt, thích ứng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, vun đắp tình cảm hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế.

Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Xuân mới Tân Sửu 2021.

Đồng chí Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

 Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân trong năm 2020?

Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Năm 2020, đại dịch COVID-19 và những biến động phức tạp của tình hình chính trị - an ninh thế giới, khu vực đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động đối ngoại nhân dân...

Trong bối cảnh đó, đối ngoại nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã tích cực triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, đã đề ra các giải pháp chủ động linh hoạt, thích ứng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, vun đắp tình cảm hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế.

Thứ nhất, nỗ lực củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, bạn bè và đối tác quốc tế.

Các tổ chức nhân dân Việt Nam đã khai thác thế mạnh công nghệ thông tin, nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc từ sang trực tuyến và kết hợp giưa trực tuyến và trực tiếp, để duy trì và phát triển quan hệ với bạn bè, kịp thời tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi tại chỗ, điện đàm, tọa đàm trực tuyến (Trung ương đoàn tổ chức 3 cuộc giao lưu thanh niên với sinh viên Lào, Campuchia, Nga tại Việt Nam, Hội phụ nữ tổ chức diễn đàn phụ nữ Việt - Mỹ; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức các trao đổi, tọa đàm với đối tác Nga, Mỹ, Canada, Brazil, Trung Quốc và ASEAN, giao lưu với các Đại sứ quán và sinh viên nhiều nước).

Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm sự kiện lớn trong quan hệ với các nước như: 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; 70 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt - Nga (23/5/1950 – 23/5/2020) và chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (30/1/1950 – 30/1/2020); 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ; 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba; 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một số nước Đông Âu; 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - CHLB Đức…; 65 năm thành lập Hội Việt - Pháp...

Các tổ chức nhân dân Việt Nam cũng đã tham gia có trách nhiệm trong các tổ chức và cơ chế đa phương, đóng góp tích cực vào thành công của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Bên cạnh các hoạt động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đăng cai và tổ chức rất thành công Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 theo phương thức trực tuyến, với chủ đề “Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một cộng đồng bao trùm, gắn kết và chủ động thích ứng”, thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu quốc tế với trên 20 hội thảo về 11 cụm chủ đề; thông qua được tuyên bố chung của Diễn đàn với các nội dung tích cực, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và đáp ứng quan tâm chung của nhân dân khu vực.

Thứ hai, hoạt động hợp tác nhân dân trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Các tổ chức nhân dân đã tích cực thông tin đến bạn bè quốc tế về tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè. Thông cảm với khó khăn của bạn bè quốc tế, xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái, “nhường cơm sẻ áo” của dân tộc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các thành viên đã quyên góp, vận động quyên góp gần 01 triệu khẩu trang, hàng nghìn thiết bị y tế và tiền mặtvới tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng để ủng hộ nhân dân các nước bạn phòng, chống đại dịch.

Những hoạt động tích cực của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức nhân dân Việt Nam đã đóng góp vào thành công chung của Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19, góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam; đối ngoại nhân dânđã hỗ trợ đắc lực cho ngoại giao y tế của cả nước, củng cố, vun đắp tình hữu nghị với nhân dân các nước, tô đẹp thêm hình ảnh của Việt Nam là một dân tộc giàu truyền tống nhân văn, một điểm đến an toàn đối với đầu tư và du lịch…nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam

Thứ ba, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN trong triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019 - 2025, gắn mục tiêu vận động viện trợ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương.

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết các hoạt động đối ngoại đều gặp hạn chế, nhưng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực vận động các tổ chức PCPNN viện trợ cho Việt Nam với tổng giá trị gần 250 triệu USD

Thông qua kênh Điều phối viện trợ nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chung tay hỗ trợ nhân dân Việt Nam chống COVID-19 với hơn 6,5 triệu USD. 77 tổ chức PCPNN và Trung tâm dữ liệu phi chính phủ đã có thư chung gửi lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong ứng phó với COVID-19. Đã có 42 tổ chức PCPNN ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung với tổng số tiền gần 9 triệu USD.

Thứ tư, Công tác thông tin đối ngoại đạt những kết quả tích cực.

Trong năm 2020, các đơn vị truyền thông của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đăng tải hàng chục nghìn tin, bài, ảnh, clip; thường xuyên cung cấp thông tin về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; cập nhật tình hình dịch COVID-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; thông tin chính xác về chủ quyền biển đảo, biên giới, các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động đối ngoại nhân dân, quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, công tác vận động PCPNN...

Tạp chí Thời Đại phát hành bằng 06 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc, Nga, Lào, Khmer với nhiều thông tin nhanh, nhạy, hình thức phong phú, đa dạng và có số lượng độc giả ngày càng tăng.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam long trọng tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cuba.

Phóng viên: Năm 2021 là năm tiến hành Đại hội XIII của Đảng, tình hình trong nước sẽ có nhiều thời cơ thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đồng chí, công tác đối ngoại nhân dân của ta đứng trước những cơ hội và thách thức gì?

Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Về mặt thuận lợi, có thể nói, công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam đang có nhiều điều kiện để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện.

Trước hết, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của đối ngoại nhân dân, xác định đối ngoại nhân dânlà nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dânvà rất quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân, đã có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao và tạo điều kiện để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có thể phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại nhân dân(Tiếp theo các văn bản chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị 28-CT/TW ngày 2/12/2008,  Chỉ thị số 04 – CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dântrong tình hình mới; Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với Liên hiệp, gần đây nhất  Ban bí thư đã ban hành Chỉ thị 38 – CT/TW ngày 19/9/2019 về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới... Đây là động lực rất mạnh mẽ để những người làm công tác đối ngoại nhân dân thêm quyết tâm hoàn thành thật tốt vai trò của mình.

Thứ hai, những thành tựu của đất nước trong phòng chống, kiểm soát COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, hình ảnh, uy tín, vị thế của đất nước là nền tảng vững chắc cho đối ngoại nhân dân.

Thứ ba, bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, cảm phục, đoàn kết và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Thứ tư, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dânngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, phong phú, đa dạng. Tham gia vào mặt trận này có cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành ở Trung ương, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người dân, thanh niên, học sinh sinh viên… Nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân “mỗi người dân là một đại sứ hình ảnh cho đất nước mình” ở mỗi người dân được nâng lên rõ rệt.

Thứ năm, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet tạo thuận lợi cho việc cung cấp thông tin, kết nối đối tác.

Về khó khăn, thách thức, trước hết, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Thứ hai, hiện nay ở một số địa bàn, phạm vi quan hệ, mạng lưới đối tác còn hạn chế, mối liên hệ với đối tác chưa thường xuyên. Phương pháp tiếp cận một số vấn đề mới chưa được đổi mới mạnh mẽ.

Thứ ba, một số hội hữu nghị ở Trung ương vì lý do khách quan ít hoạt động trong thời gian dài. Khả năng triển khai công tác đối ngoại của một số tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương không đồng đều, còn lúng túng về phương thức hoạt động, chưa mở rộng quan hệ đối tác hoặc khó khăn về kinh phí hoạt động. Việc thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các tổ chức thành viên còn hạn chế.

Thứ tư, mô hình tổ chức của Liên hiệp các địa phương chưa thống nhất, có nơi chưa phù hợp. Nhận thức và năng lực chỉ đạo, quản lý công tác đối ngoại nhân dân của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế.

Thứ năm, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn yếu và thiếu. Liên hiệp tuy đã huy động được sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác đối ngoại cho các hoạt động, song chưa phát huy được hết vai trò, năng lực của đội ngũ chuyên gia này, nhất là trong công tác phân tích, nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách...

Tập huấn “Nâng cao năng lực cho lãnh đạo và cán bộ của Liên hiệp các tỉnh/thành phố về công tác đối ngoại nhân dân”.

Phóng viên: Để vượt qua những thách thức và nắm bắt các cơ hội, với vai trò là đầu mối của các hoạt động đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dân sẽ hướng vào những nội dung trọng tâm nào trong năm 2021 để góp phần thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng và hiệu quả?

Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XIII, kỷ niệm năm chẵn, năm lẻ 5 quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một số nước láng giềng, các nước đối tác, bạn bè truyền thống. Đối ngoại nhân dân sẽ sớm quán triệt và xây dựng chương trình hành động triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII. Trong năm 2021 sẽ tập trung vào một số trọng tâm công tác như sau:

Một là, tăng cường các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước ASEAN, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống; chú trọng nội dung chính trị, nâng cao hiệu quả thực chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước  và các ngày lễ lớn quan trọng của Việt Nam và các nước.

Hai là, tăng cường hợp tác có hiệu quả với các đối tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam, bom mìn, hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh... Tăng cường thông tin vận động bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền biển đảo, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Chủ động đối thoại và tiếp tục vận động đấu tranh dư luận trên các vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.

Ba là, tham gia tích cực, hiệu quả vào các cơ chế, mạng lưới, tổ chức nhân dân đa phương quốc tế, liên khu vực và khu vực; các hoạt động liên quan đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030; Nghiên cứu khả năng tham gia các cơ chế, diễn đàn quốc tế quan trọng để mở rộng mạng lưới bạn bè, vận động dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam; thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Việt Nam; Tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng hoà bình thế giới (năm 2021).

Bốn là, tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019 – 2025. Thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, giám sát hoạt động và viện trợ PCPNN giữa các cơ quan thành viên Ủy ban cũng như giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Tăng cường làm việc trực tuyến, chuẩn hóa, chia sẻ cơ sở dữ liệu về công tác PCPNN với các cơ quan trong Ủy ban và triển khai xử lý thủ tục hành chính điện tử cho các tổ chức PCPNN, gắn kết công tác PCPNN với mục tiêu chính trị-đối ngoại và công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị.

Năm là, tuyên truyền sâu rộng về thành công của Đại hội Đảng XIII, Bầu cử Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới; thành tựu xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình Biển Đông và chủ quyền biển đảo của Việt Nam; công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền; thành tựu trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; hoạt động đối ngoại nhân dân. Nghiên cứu việc mở thêm các chuyên trang tiếng nước ngoài trên Tạp chí Thời Đại điện tử.

Sáu là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ đối ngoại nhân dân. Tích cực triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo, báo cáo/chuyên đề nghiên cứu có giá trị tham khảo về Biển Đông, an ninh nguồn nước sông Mê Công; những nét mới trong phong trào nhân dân thế giới; chính sách của chính quyền mới của Mỹ; quan hệ giữa các nước lớn. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam kết hợp với việc huy động các chuyên gia đối ngoại tham gia các dự án nghiên cứu khoa học.

Bảy là, triển khai thực hiện Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Khoá VI sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức thành viên theo hướng thiết thực, hiệu quả. Xây dựng mô hình tổ chức của các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc thể chế hóa các Chỉ thị mới của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân và hội quần chúng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường tập huấn cho các Liên hiệp địa phương.

Phóng viên: Theo đồng chí, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò như thế nào đối với công tác đối ngoại nhân dân và giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới?

Đồng chí Nguyễn Phương Nga: Thông tin đối ngoại là một công tác có tính đặc thù cao trong đối ngoại nhân dân, vừa được triển khai độc lập vừa được lồng ghép với các hoạt động đối ngoại. Trong những năm qua, công tác này đã được triển khai có hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công tác thông tin đối ngoại chung của cả nước.

Thông tin đối ngoại trong hoạt động đối ngoại nhân dânnhằm tuyên truyền, tăng cường hiểu biết về Việt Nam, tạo dựng mạng lưới bạn bè và những người có cảm tình với Việt Nam ở các nước trên thế giới, gây dựng quan hệ giữa dân với dân làm nền tảng cho đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới, chúng tôi tiến hành một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường thông tinđối ngoại thông qua các hoạt động hòa bình hữu nghị. Bên cạnh việccung cấp thông tin cho bạn bè, đối tác quốc tế về tình hình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cần chú trọng đến những thông tin được dư luận quan tâm như: tình hình và đường lối phát triển của Việt Nam, vấn đề dân chủ, nhân quyền; tranh chấp thương mại; giải quyết hậu quả chiến tranh; vấn đề chủ quyền biển, đảo...

Hai là, tăng cường và mở rộng các kênh thông tinđối ngoại, vận động dư luận và đấu tranh với những thông tin sai trái về Việt Nam, nhất là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo. Tiếp cận và vận động tích cực hơn nữa các doanh nghiệp, các tổ chức cựu chiến binh có cảm tình với Việt Nam, các phong trào cánh tả và kiều bào. Mở rộng các hoạt động giao lưu tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.

Ba là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới báo chí, website của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam từ trung ương đến các tỉnh/thành phố, để mạng lưới này ngày càng trở thành công cụ tuyên truyền đặc lực cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế; các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Coi trọng thông tin trên các mạng xã hội, hướng tới việc các công cụ này trở thành một trong những hình thức tuyên truyền chính bởi tính linh động, nhanh và dễ tiếp cận.Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo đài trong và ngoài nước để tích cực thông tin về Đối ngoại nhân dân, để bạn bè quốc tế thêm hiểu và ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn khu vực, quốc tế.

Bốn là, tăng cường đặt bài các nhân sỹ, chuyên gia nghiên cứu về những vấn đề dân chủ, nhân quyền, biển đảo, đặc biệt là các nhân sỹ, chuyên gia trong cơ quan thường trực và các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam... để đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Liên hiệp và gửi đăng trên một số tạp chí chuyên ngành hoặc các báo có nhu cầu.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có cơ chế chia sẻ thông tin, hướng dẫn tuyên truyền kịp thời về những vấn đề liên quan đến Đối ngoại nhân dâncho các tổ chức thành viên có định hướng và cơ sở thực hiện việc tuyên truyền, đảm báo tính nhất quán trong cả hệ thống.

Năm là, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ trong toàn hệ thống về Đối ngoại nhân dân, ngoại ngữ, kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển đảo.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang tích cực cùng với các cơ quan hữu quan tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ về thông tin tuyên truyền, kết hợp truyền thống với hiện đại và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(daihoi113.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.185
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003886045
  •  Đang online: 122
  •  Trong tuần: 18.522
  •  Trong tháng: 100.764
  •  Trong năm: 1.187.420