Nâng cao bản lĩnh, trí tuệ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái In trang
27/11/2019 09:07 SA

(ĐCSVN) – Đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo”, được tổ chức chiều 26/11, tại Hà Nội.

 Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm

Góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐảngDự buổi Tọa đàm có đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các Báo, Tạp chí Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, lực lượng báo chí nói chung, trong đó có Tạp chí Tuyên giáo đã và đang tập trung vào những nội dung: Đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin; Đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh; Đấu tranh phê phán, phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao…

Ngoài những nội dung đấu tranh trực tiếp “chính diện”, việc tăng cường các bài viết lý luận - thực tiễn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm khẳng định, phản ánh những kết quả, thành tựu trên mọi lĩnh vực của công cuộc đổi mới; coi trọng giá trị quyền con người, quyền công dân; nêu gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết quả đạt được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... đã tích cực góp phần vào đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm 

Theo đồng chí Lê Huy Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Tạp chí đã đăng tải hơn 200 bài viết trực tiếp và gián tiếp tham gia đấu tranh phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Về cơ bản, tuyến bài về lĩnh vực này từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng. “Mật độ” bài viết trên cả hai ấn phẩm ngày càng đều, đầy đặn và bố trí hợp lý hơn; nội dung ngày càng hấp dẫn, thuyết phục hơn.Các đại biểu cũng nêu lên những kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dài hạn, trung hạn và “phản ứng nhanh”; tổ chức viết bài, đặt bài; lựa chọn chủ đề, thể loại bài viết; xây dựng chuyên trang - chuyên mục - chuyên đề; công tác phối hợp tuyên truyền... trong đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân… Các đại biểu cũng chia sẻ việc nắm bắt dư luận và tổ chức các tuyến tin, bài có chất lượng cao, với những hình thức phong phú trong các báo, tạp chí từ Trung ương tới các địa phương, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội…

Phải có bản lĩnh, trí tuệ, dũng khí đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những lĩnh vực trọng yếu của công tác tư tưởng - văn hóa nhằm bảo vệ vững chắc chế độ và an ninh quốc gia. Đây là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, kiên quyết, kiên trì của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò to lớn của các cơ quan báo chí - truyền thông. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; do đó, nó phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất của báo chí cách mạng nói chung, Tạp chí Tuyên giáo nói riêng.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng cho rằng, thực tiễn đã, đang đặt ra những vấn đề cơ bản cần phải giải quyết như: tư duy về phương thức tiến hành phê phán, phản bác lạc hậu đang mâu thuẫn với phương thức tuyên truyền, chống phá đa dạng, nhanh nhạy của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Việc tổ chức lực lượng tham gia viết bài còn hạn chế, thiếu gắn kết đang mâu thuẫn với yêu cầu “ứng chiến” kịp thời để phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Chất lượng nội dung hạn chế, thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục đang mâu thuẫn với sự linh hoạt, phong phú, đa dạng của các luận điệu sai trái, thù địch.

Để nâng cao chất lượng bài viết trên lĩnh vực này, phải có bản lĩnh, trí tuệ, dũng khí đấu tranh, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với tư duy nhạy bén, phẩm chất chính trị, đạo đức và “tay nghề” vững vàng của cán bộ lãnh đạo, phóng viên trong cơ quan báo chí, thì lực lượng cộng tác viên - nhất là các chuyên gia, nhà báo, những cây viết “già dặn” kinh nghiệm - là yếu tố quyết định đến chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

“Sự ham chuộng của người đọc” phải được coi là thước đo trong nâng cao chất lượng bài viết. “Việc cải tiến hình thức các ấn phẩm tuy không là trọng tâm nhưng có tác dụng quan trọng tạo sự “hấp dẫn ban đầu” và gây hiệu ứng để người xem “chủ động, tự nguyện” tiếp cận với nội dung. Do đó, chú trọng nâng cao chất lượng nội dung phải đi cùng với cải tiến hình thức ấn phẩm” - đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới tiếp tục bám sát các nội dung chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường hơn nữa tính chủ động trong triển khai tuyến bài liên quan đến phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo Lê Huy Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Trên cơ sở những kinh nghiệm, bài học cùng những vấn đề được nêu lên tại Tọa đàm này, Tạp chí Tuyên giáo cần tích cực, khẩn trương nghiên cứu để vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nội dung phê phán, phản bác. Làm sao để vừa đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, vừa “góp sức” cùng “binh chủng” báo chí cách mạng giành thắng lợi trên mặt trận đấu tranh tư tưởng. Bên cạnh đó, tận dụng ưu thế của mạng Internet và ấn phẩm Tuyên giáo điện tử để tạo sức lan tỏa, tạo sự tương tác với bạn đọc trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao hơn nữa tính tiện ích để các bài viết lan tỏa đến công chúng nhanh hơn, rộng hơn.

Để tạo sự đồng bộ và lan tỏa, Tạp chí cần chú ý gắn kết và phối hợp với các cơ quan báo chí có thế mạnh trong lĩnh vực này; cần chú ý cân đối, đảm bảo tính tiếp nối, đan xen, bổ trợ lẫn nhau giữa các bài viết trên ấn phẩm in phát hành hàng tháng và ấn phẩm điện tử hằng ngày.

Dịp này, thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng mong muốn và trân trọng đề nghị các đồng chí lãnh đạo ban, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà báo… tích cực cộng tác, tăng cường phối hợp thông qua viết bài, trao đổi, tương tác… góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo./.

Hiền Hòa

Lượt xem: 1.612
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003892278
  •  Đang online: 132
  •  Trong tuần: 24.755
  •  Trong tháng: 106.997
  •  Trong năm: 1.193.653