Các tham luận trình bày tại Đại hội In trang
16/10/2020 05:54 CH

BAN CÁN SỰ ĐẢNG UBND TỈNH

Quy mô nền kinh tế tăng 1,6 lần so với giai đoạn trước 

Đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận
Đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận

Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lâm Đồng từng bước được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức 8,0%, quy mô GRDP tăng gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, từ 45,6 triệu đồng/người năm 2015 lên 71,1 triệu đồng/người năm 2020, cao hơn bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,35% năm 2020. Mặt khác, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từng bước được nâng lên. Năng suất lao động tăng qua các năm, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm và cao gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng đã tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý và hoàn thành cổ phần hóa 100% doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa theo quy định. Đồng thời cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đạt một số kết quả, năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao.

Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức 88% năm 2015 lên mức 94% năm 2020. Trong năm 2015, tỷ trọng chi đầu tư phát triển là 21% và chi thường xuyên là 79% tổng chi ngân sách thì đến năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26% và chi thường xuyên là 74% tổng chi ngân sách. Lâm Đồng cũng thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ về tài chính, biên chế và sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh theo quy định.

Cơ cấu các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tốt. Cụ thể: Ngành công nghiệp, tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao trong toàn ngành công nghiệp (chiếm khoảng 73,7%) và tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng bình quân 12%/năm. Ngành nông nghiệp đã tiến hành đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có thị trường xuất khẩu đa dạng, tiến hành đồng bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường gắn với phát triển thương hiệu. Ngành dịch vụ tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, lượng khách du lịch tăng qua các năm, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,9%/năm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn nhiều khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, quy mô các ngành kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng vẫn còn dựa vào các lợi thế về tài nguyên, đất đai, khoáng sản…Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh, trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện tốt các nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa các ưu thế của tỉnh để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đối với sản xuất nông, lâm nghiệp; công nghiệp và lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhằm huy động tối đa các nguồn vốn xã hội để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, phát triển khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển phải gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ…

ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị

Đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh trình bày tham luận
Đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh trình bày tham luận

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Lâm Đồng xác định vừa là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong Khối. Từ đó tập trung chỉ đạo và bước đầu thu được một số kết quả đáng ghi nhận. 

Căn cứ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã xây dựng các kế hoạch học tập quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết, các kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy; các chuyên đề toàn khóa và hàng năm đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Hàng năm, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Qua tổng hợp, hàng năm có 100% đảng viên trong Khối đều viết cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và đăng ký nội dung tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu bằng những việc làm cụ thể, gắn với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh cán bộ, vị trí việc làm của đảng viên. Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị trong Khối đều lựa chọn nội dung phù hợp với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch phấn đấu. 

Trong Đảng bộ Khối đã có hàng ngàn việc làm cụ thể được đăng ký thực hiện hàng năm, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nhiều mô hình hoạt động cụ thể góp phần cải thiện môi trường làm việc, hiệu quả chăm sóc và phục vụ Nhân dân, hướng hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị về cơ sở… Qua việc sơ kết, đánh giá hàng năm, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác. Từ năm 2016 đến 2020, toàn Đảng bộ Khối đã có có 35 tập thể và 200 cá nhân điển hình được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương, khen thưởng.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 có hiệu quả, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã sơ kết, đánh giá và đưa ra nhiều nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, mang lại kết quả cụ thể; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt; tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH

Công tác quân sự, quốc phòng địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Đại tá Trần Văn Khương - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trình bày tham luận
Đại tá Trần Văn Khương - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trình bày tham luận

Trong nhiệm kỳ, công tác diễn tập KVPT tỉnh, huyện, thành phố, diễn tập phòng thủ dân sự và diễn tập chiến đấu phòng thủ cho xã, phường, thị trấn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm sát với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Các cấp, các ngành, các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ trong công tác nắm tình hình, nắm chắc đối tượng, đối tác, chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, chủ động thực hiện các phương án, xử lý hiệu quả các tình huống, không để xảy ra “điểm nóng”, bảo đảm giữ vững ANCT-TTATXH trên địa bàn.

Công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng và Nhân dân được nâng cao; Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng về sức khỏe, văn hóa ngày càng được nâng cao.

 LLVT tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác dự báo, phòng ngừa, huy động kịp thời các nguồn lực tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Cấp ủy đảng các cấp đã quan tâm chăm lo tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh,“thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân...

 Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng bộ Quân sự tỉnh đề xuất một số chủ trương, giải pháp cần tập trung lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới như sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân về nhiệm vụ quân sự quốc phòng, đẩy mạnh phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng, chú trọng đến đối tượng là công nhân, học sinh, sinh viên, già làng, trưởng bản, trưởng họ tộc, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Chủ động phối hợp, triển khai thực hiện các phương án sử dụng lực lượng bảo vệ các mục tiêu quan trọng, khu vực trọng yếu, loại bỏ các yếu tố tạo “điểm nóng”, xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, giữ vững ANCT-TTATXH trên địa bàn, góp phần cho địa phương phát triển KT-XH.

Thường xuyên quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội; chủ động bố trí ngân sách, kết hợp tăng cường huy động các nguồn lực từ xã hội, nhằm nâng cao mức bảo đảm và điều kiện công tác, huấn luyện của LLVT; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp dân giảm nghèo bền vững, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

ĐẢNG ĐOÀN ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH

Tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình bày tham luận
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình bày tham luận

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. 

Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Vận động, phát huy vai trò các tổ chức thành viên, người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, động viên Nhân dân đồng thuận hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) và Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng... Chủ động nắm tình hình Nhân dân, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đoàn kết phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, cảnh giác, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. 

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chú trọng các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình, dự án ở địa bàn khu dân cư. 

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức sâu rộng, thiết thực và hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường hướng về cơ sở, địa bàn khu dân cư, phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể và các vị chức sắc tôn giáo, già làng, người cao tuổi… làm nòng cốt tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, qua đó đã huy động Nhân dân tự nguyện góp công, góp sức xây dựng các công trình, phần việc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, cơ sở…

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong Nhân dân được ghi nhận, tôn vinh, nhân rộng, tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững hơn của các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ các cấp chủ trì. Từ đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân trong tỉnh.

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH

Hướng đến nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước tiến quan trọng, sản xuất được cơ cấu lại đã phát huy được lợi thế cạnh tranh của từng vùng. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng tăng trưởng của ngành vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trung bình cả nước và cơ bản đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra. Toàn tỉnh có trên 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó diện tích nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ đang có xu hướng tăng nhanh. Cùng với các giải pháp đồng bộ trong tổ chức sản xuất đã đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn quốc (hiện nay Lâm Đồng đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 24% so với đầu nhiệm kỳ và gấp 1,8 lần so với bình quân chung cả nước). 

Trong nhiệm kỳ tới, mục tiêu mà Đại hội đề ra là phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 7-8%, GRDP bình quân đầu người từ 120-125 triệu đồng/năm thì nhiệm vụ của ngành nông nghiệp cũng hết sức nặng nề với mức độ tăng trưởng phải đạt từ 4,5-5%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm, tỉnh đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới trước năm 2025. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, từ đó đưa ngành nông nghiệp của Lâm Đồng tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát chủ trương trong phát triển sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TU để xây dựng nghị quyết, kế hoạch cụ thể cho từng địa phương, từng ngành để tạo sự nhất trí cao trong toàn Đảng, là cơ sở lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, đồng thời tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mang tính hiện đại, công nghệ thông minh để tạo ra các sản phẩm có giá trị và chất lượng nổi trội.

Hai là: Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện thông qua việc tổ chức lại sản xuất với các sản phẩm có lợi thế, có dư địa lớn và yêu cầu thị trường cao để tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu như cây dược liệu, các loại hoa và cây dâu tằm. 

Ba là: Triển khai thực hiện tốt các mục tiêu và bước chiến lược của dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành để tạo sự đột phá trong sản xuất, đồng thời kết hợp với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là khó khăn về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tập thể, phát triển liên kết chuỗi.

Bốn là: Tăng cường kết nối các thị trường trong và ngoài nước để khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại, tạo cơ hội cho nông sản của tỉnh vươn rộng ra các thị trường chất lượng cao. 

Năm là: Bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho sản xuất, đảm bảo tính bền vững thông qua việc khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. 

Sáu là: Tiếp tục tập trung nguồn lực từ ngân sách, chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn ODA để đầu tư hệ thống hạ tầng sản xuất một cách đồng bộ, đặc biệt là các công trình thủy lợi trọng điểm, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, trạm bơm tưới nước và đường giao thông nội đồng. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại các vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là vùng rau hoa và cây công nghiệp để chủ động nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu.

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công và đẩy mạnh thu hút đầu tư

Đồng chí Đặng Trí Dũng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận
Đồng chí Đặng Trí Dũng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư công chiếm khoảng 12-14%, còn lại là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân, FDI và nguồn vốn tín dụng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phát huy vai trò chủ đạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, Lâm Đồng đã xác định các công trình trọng điểm, chương trình trọng tâm để triển khai thực hiện, đồng thời ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 để ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, phát triển đồng bộ các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Theo đó, hạ tầng giao thông, đô thị có bước chuyển biến hết sức rõ nét, nâng cao hiệu quả kết nối trong và ngoài tỉnh, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác; đường hàng không tiếp tục phát triển, mở mới các đường bay kết nối với các tỉnh trong nước và quốc tế với tần suất khai thác tăng lên 28-30 chuyến/ngày; hệ thống đường đô thị, đường vành đai, đường huyện tiếp tục được đầu tư thêm 266,3 km. Đến nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh dân cư thành thị đạt 71%, dân cư nông thôn 90%; thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt tỷ lệ 95%.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư tương đối đồng bộ, nhiều công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được kiên cố, đường giao thông nông thôn được cứng hóa, từ đó diện tích tưới tăng thêm 950 ha; xây dựng thêm 201 m kè chống sạt lở; đầu tư 6.313 km đường và cầu, đạt tỉ lệ 84%; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm. Riêng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị quyết của Đảng. Hạ tầng trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, học tập, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Qua đó, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng từ 38,1% lên 80%; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% huyện có nhà văn hóa và thư viện đạt chuẩn; 92,5% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 79,6% thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn vừa qua được triển khai hiệu quả, tập trung, dần khắc phục được tính dàn trải; đã tập trung bố trí thực hiện các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm, các công trình dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và nông nghiệp nông thôn. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, hệ số ICOR (chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư trong kỳ đó - PV) của tỉnh giai đoạn 2016-2020 ước đạt 4,1 lần, thấp hơn hệ số ICOR của cả nước (ICOR Việt Nam ước đạt 6 lần)...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thu hút được 214 dự án đầu tư, vốn đăng ký 16.352 tỷ đồng; có thêm 116 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, vốn thực hiện 8.850 tỷ đồng. 

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 988 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 130.282 tỷ đồng; trong đó, có 630 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 226 dự án đang triển khai xây dựng, 132 dự án thực hiện thủ tục...

Theo Báo Lâm Đồng

Lượt xem: 3.739
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003892868
  •  Đang online: 86
  •  Trong tuần: 25.345
  •  Trong tháng: 107.587
  •  Trong năm: 1.194.243