Góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng In trang
20/04/2020 09:53 SA

Qua nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, bài viết nêu một vài góp ý với ba nội dung: Một là, ưu điểm lớn của các Dự thảo báo cáo; Hai là, một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện; Ba là, góp ý phần viết về văn hóa. Các văn kiện ở dạng Dự thảo, nên những góp ý cũng chỉ là bước đầu, có tính chất “dự thảo”, chưa thể toàn diện, đầy đủ. Trong khuôn khổ một bài báo,  chỉ nêu một số kiến nghị cơ bản.

Ưu điểm lớn của các Dự thảo báo cáo

Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này (in trong tài liệu sử dụng tại Đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở) gồm: 1. Tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; 2. Tóm tắt Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2020 - 2030; 3. Tóm tắt Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; 4. Tóm tắt Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Trên cơ sở tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 35 năm đổi mới, các báo cáo có nhiều điểm mới, phản ánh tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới. Các báo cáo được hình thành đã dựa trên nền tảng và kiên định với những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chủ đề Đại hội và nội dung trong các phần phản ánh toàn diện, thống nhất, có sự kế thừa, phát triển các văn kiện trong đổi mới, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Văn kiện Đại hội XII. Các báo cáo về kinh tế và xây dựng Đảng thống nhất và phản ánh đúng tinh thần của Báo cáo chính trị.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm ngắn gọn, cô đúc, đúng mực, đúng thực chất, theo đúng thái độ của Đảng trong đổi mới: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật.

Báo cáo chính trị có 15 mục, tương ứng với 15 nội dung là phù hợp. Các mục (nội dung) phản ánh đầy đủ, toàn diện sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, có những điểm mới. Năm quan điểm cơ bản chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp.

Mục XV- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng có nhiều điểm mới, từ tên gọi đến nội dung. Cái mới trong tên gọi lần này là thêm cụm từ “cầm quyền của Đảng”. Điều này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Bởi vì xét đến cùng, để cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì một trong những điều quan trọng nhất là xử lý vấn đề quyền lực của cán bộ, đảng viên. Nội dung XV đề cập 5 mặt, phản ánh đầy đủ, toàn diện công tác xây dựng Đảng.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã đề cập, phản ánh toàn diện tất cả các mặt trên cả hai phương diện: ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân.

Từ công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, báo cáo rút ra năm bài học kinh nghiệm là phù hợp, phản ánh được những điều cốt yếu trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong nhiệm kỳ Đại hội XII nói riêng.

Về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, báo cáo đề cập phương hướng chung, mười nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá. Đây là sự kế thừa, phát triển cách tiếp cận của nhiệm kỳ Đại hội XII, có những bổ sung cần thiết, đặc biệt là giải pháp đột phá.

Nhìn một cách khái quát, tổng thể Báo cáo công tác xây dựng Đảng như vậy là phù hợp, vừa có sự kế thừa các nhiệm kỳ Đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XII, vừa có những bổ sung mới từ tổng kết thực tiễn.

Một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện

Cơ sở, lý do của những đóng góp là bám sát chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong đổi mới; thực tiễn qua nhiệm kỳ Đại hội XII và tầm nhìn về tương lai phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thực tiễn thế giới. Góp ý cũng bám sát quan điểm về tính thống nhất, lấy Báo cáo chính trị làm trung tâm và có đối chiếu, so sánh với Cương lĩnh và văn kiện các Đại hội trước.

Thứ nhất, về Dự thảo Báo cáo chính trị. Chủ đề Báo cáo nên thêm cụm từ “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” thành: Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc bổ sung này phù hợp với đặc điểm công tác xây Đảng hiện nay, có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng xuyên suốt, phản ánh đúng điều căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và phù hợp với mục (nội dung) XIV: xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Về một số kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Kinh nghiệm thứ nhất, nên bỏ hai từ “cán bộ” trong cụm từ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ”, vì “cán bộ” nằm trong xây dựng Đảng về tổ chức. Nó cũng thống nhất với mục (nội dung) XIV, chỉ đề cập xây dựng Đảng bốn mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức.

Kinh nghiệm thứ hai, cụm từ “quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc” đã được sử dụng trong các văn kiện Đại hội XI, XII. Cụm từ này ngắn gọn, đúng, nhưng chưa đẩy đủ, chưa bao quát được toàn bộ vai trò, vị trí của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng; chưa thật sự phù hợp với một khía cạnh trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013; chưa phản ánh đầy đủ một nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiến nghị thay bằng cụm từ trên bằng “Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “theo đúng đường lối nhân dân”. Cụm từ này trong di sản Hồ Chí Minh phản ánh sâu sắc, toàn diện vai trò, vị trí của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng.

Thứ hai, về tầm nhìn và định hướng phát triển. Ở quan điểm chỉ đạo thứ nhất, Dự thảo trình bày “3 kiên định”. Nên bổ sung “một kiên định” là kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Như vậy sẽ là (4 “kiên định”): Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Ở quan điểm chỉ đạo thứ hai, Dự thảo nêu gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ 4 nhiệm vụ. Nội dung này đã được trình bày ở Đại hội XII phản ánh đúng hiện thực. Trong tình hình hiện nay, để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững đất nước, xác định các nhiệm vụ đó như là trụ cột, nên bổ sung hai trụ cột, liên quan đến đoàn kết và công tác đối ngoại và điều chỉnh cụm từ “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Cụ thể: “gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; Xây dựng Đảng là then chốt; Xây dựng văn hóa là nền tảng phát triển đất nước; Bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu; Thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Thứ ba, mục V về giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục này của Dự thảo đưa cả vấn đề “Phát triển con người” vào giáo dục và đào tạo. Điều này không sai, có thể nói là đúng, nhưng đã thật sự phù hợp, khoa học chưa? Bởi vì, một là vấn đề con người luôn luôn gắn với văn hóa như văn kiện Đại hội XII đề cập; hai là phần này đã đề cập đến nguồn nhân lực, thế là đủ, phù hợp với giáo dục và đào tạo; ba là phần VII trong Dự thảo lại đề cập vấn đề con người. Vì vậy, đề nghị không đưa cụm từ “phát triển con người” vào mục V.

Thứ tư, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Mục 1 không nên dùng cụm từ “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện”. Bởi vì, cả 5 nội dung trong mục V đều tập trung phản ánh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong lúc đó, điểm 1 chỉ đề cập bốn nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thì chưa thể nói là toàn diện. Kiến nghị mục 1 này viết thẳng vào xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức.

Không nên dùng các cụm từ “tăng cường”, “tiếp tục”, “tăng cường, nâng cao hiệu quả” trước các nội dung mà nên đề cập trực tiếp xây dựng Đảng về chính trị; xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về tổ chức; xây dựng Đảng về đạo đức.

Phần viết xây dựng Đảng về đạo đức, có cụm từ “xây dựng văn hóa trong chính trị” (từ “trong” là trạng từ chỉ địa điểm). Kiến nghị thay cụm từ này bằng “xây dựng văn hóa chính trị” (không có từ trong). Kiến nghị này dựa vào lý luận văn hóa khi các phần khác của văn kiện viết về các chuẩn mực và loại hình văn hóa như: văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa công sở… (mục VII viết về các loại hình văn hóa đó không có từ “trong”). Có từ “trong” và không có từ “trong” là khác nhau. Nói văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa chính trị là nói tới cái đẹp, cái giá trị của lãnh đạo, của quản lý, của chính trị. Mà cái đẹp của chính trị là bao gồm cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, hoạt động chính trị, tổ chức chính trị, con người (nhà) chính trị (chính khách). Còn nói “văn hóa trong chính trị” thì không rõ.

Điểm 3 của phần này có tiêu đề “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Trong nội dung có thêm hai từ “tiêu cực”. Trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, khi viết về giải pháp đột phá thứ ba lại viết: “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu”. Như vậy một là, chưa thật sự đảm bảo tính thống nhất; hai là, hai từ “tiêu cực” đã bao hàm tất cả những cái thói hư tật xấu; ba là, Cương lĩnh 2011 và văn kiên Đại hội XII đều có nói đến chống quan liêu; bốn là, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Vì vậy, kiến nghị tiêu đề cần bổ sung hai từ “quan liêu” thành “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. quan liêu”.

Cũng trong điểm 3 này có cụm từ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nên cân nhắc thật kỹ cụm từ “không có vùng cấm”, vì trong Hiến pháp, pháp luật, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không có cụm từ này. Mặt khác cụm từ “vùng cấm” không thật sự tường minh, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ: Ai thuộc vùng cấm? Ai có quyền cho ai thuộc vùng cấm? Cấp nào có vùng cấm”? Vùng cấm cấp Trung ương và cấp địa phương có khác nhau? Văn kiện Đảng không nên dùng các loại từ kiểu này (hay “tham nhũng vặt” ở mục 9). Những cụm từ đó thuộc loại văn nói. Trong khi đó, Bác Hồ chỉ rõ: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào? và làm nghề nghiệp gì”. Nên nghiên cứu thay vì cụm từ “vùng cấm”, nên đưa câu này của Bác vào.

Thứ nămBáo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Tiêu đề của Báo cáo này nên bỏ cụm từ “nhiệm kỳ Đại hội XII), vì Báo này vừa tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII vừa nêu phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Mười nội dung trong mục I “Tổng kết công tác xây dựng Đảng” chưa thấy công tác xây dựng Đảng về tổ chức, trong lúc đó mục 4, 5, 6 lại đề cập các khía cạnh liên quan đến tổ chức. Nên gộp ba mục 4, 5, 6 thành xây dựng Đảng về tổ chức, vừa thể hiện rõ được bốn nội dung xây dựng Đảng vừa ngắn gọn.

Cần nghiên cứu đặt “tít” ngắn gọn, không nên dùng những cụm trạng từ ở tiêu đề, vừa trùng lặp vừa chưa hoàn toàn thể hiện đúng bản chất. Ví dụ: mục 1 chỉ cần “Công tác xây dựng Đảng về chính trị” (không nên thêm “được đặc biệt chú trọng”, vì đặc biệt chú trọng như thế nào thì thể hiện trong nội dung). Mục 2 chỉ cần “xây dựng Đảng về tư tưởng” (không cần đuôi “tiếp tục được đổi mới, tăng cường). Mục 3 chỉ cần “xây dựng Đảng về đạo đức” (không cần cụm từ “được đề cao”), v.v…

Mục III về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng vậy. Nên gộp 2.4 với 2.5 và 2.6 thành xây dựng Đảng về tổ chức. Điểm 2.9 nên bỏ hai từ “tiêu cực” thay bằng “quan liêu”.

Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Đây là mục VII trong Dự thảo báo cáo chính trị. So với Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI và văn kiện Đại hội XII, lần này có khác. Nghị quyết 33 và Đại hội XII bàn về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đại hội XII viết “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”. Sự khác nhau hay trở lại đúng văn kiện Đại hội XII hay Nghị quyết 33 không thật sự quan trọng, không nhất thiết hay bắt buộc giống hay khác. Vấn đề là tính hợp lý. Dự thảo lần này, thay vì “phát triển”, dùng cụm từ “phát huy”; thay vì chỉ có hai từ “văn hóa”, nay bổ sung “giá trị văn hóa”; thay vì chỉ có bốn từ “con người Việt Nam”, nay thêm “sức mạnh con người Việt Nam”. Những thay đổi, bổ sung này cần được nghiên cứu tiếp, vì đặt trong phần viết về văn hóa. Riêng hai từ “sức mạnh” có thể là đúng, không sai, nhưng đã thật sự hợp lý chưa thì cần nghiên cứu kỹ hơn. Vì nói văn hóa là nói tới cái tinh tế, cái đẹp, cái giá trị - dù nhỏ - trong ứng xử, phản ánh những giá trị về chân, thiện, mỹ, trong đạo đức, lối sống, tâm hồn, nhân cách… Một con người có tính liêm sỷ, chính tâm là có văn hóa. Chúng ta có thể nói phát huy giá trị con người Việt Nam hay sức mạnh dân tộc. Vì vậy kiến nghị thay bằng tiêu đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam” (tiêu đề này cũng phù hợp, thống nhất với điểm 7, mục III, phần thứ nhất của Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025).

Trong phần này, nên có một đoạn khẳng định văn hóa là nền tảng, thước đo của phát triển đất nước (không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội). Điều này phù hợp với cách trình bày ở mục V “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Khi nói về các chuẩn mực văn hóa, cùng với văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý… nên bổ sung văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống, văn hóa chính trị (chuẩn mực này cần được khẳng định lại ở mục viết về xây dựng Đảng). Trong mục VII này có cụm từ “hệ giá trị quốc gia”. Đây có thể là lần đầu đưa vào văn kiện Đảng? Vì vậy, cần phải được nghiên cứu thêm.

Lượt xem: 1.613
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003988206
  •  Đang online: 58
  •  Trong tuần: 5.579
  •  Trong tháng: 67.430
  •  Trong năm: 1.289.581