Nhiệm kỳ vừa qua, giống như một cuốn sổ chép đầy đến tận trang cuối, trong đó ghi lại tất cả những nỗ lực, cố gắng không ngưng nghỉ để căn bản hoàn thành mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đam Rông. Không giống như một buổi phỏng vấn đơn thuần trước mỗi kỳ đại hội, đúng hơn là một cuộc trò chuyện đầy cởi mở và tâm tình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông - Nguyễn Văn Lộc đã dành cho Báo Lâm Đồng tất cả những chia sẻ chân thành, thấu hiểu về chặng đường đã qua, cũng như những mong muốn, khát vọng tốt đẹp ở phía ngày mai.
|
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc |
PV: Để nhìn lại chặng đường đã qua, đồng chí có thể đánh giá một cách khái quát nhất những thành tựu căn bản mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc anh em của huyện Đam Rông đã gặt hái được?
Đồng chí NGUYỄN VĂN LỘC: Nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói bên cạnh những thời cơ thuận lợi, huyện còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chính sự đoàn kết thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành cấp trên, triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra, qua đó cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa huyện Đam Rông thoát nghèo.
Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, quy mô được nâng lên và chuyển dịch đúng hướng. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư và từng bước hoàn thiện, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, văn hóa, thể thao... không ngừng phát triển; an sinh xã hội được chăm lo; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ bản đạt yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển địa phương.
Với một huyện như Đam Rông, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực, đã có sự phát triển tương đối toàn diện cả về quy mô, chất lượng và trình độ canh tác. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của nông hộ, phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng của từng tiểu vùng. Vận dụng tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Sản phẩm nông nghiệp địa phương ngày càng đa dạng, giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 1.183 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,5%.
Ngành chăn nuôi đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, trang trại, phát triển đàn đại gia súc gắn với phát triển đồng cỏ, nhất là chăn nuôi bò thịt và nuôi cá nước lạnh, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao, đang từng bước khẳng định là hướng đi mới của địa phương.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kết cấu hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng lên đáng kể.
Phát triển kinh tế vùng được chú trọng, hình thành các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân như: khu vực xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng tập trung sản xuất cà phê, rau, hoa; khu vực xã Đạ R’sal, Rô Men, Liêng Srônh sản xuất cà phê, cây ăn trái, nuôi cá nước lạnh; khu vực 3 xã Đạ Tông, Đạ M’Rông, Đạ Long sản xuất lúa, dâu tằm và chăn nuôi gia súc.
PV: Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đam Rông, chính là việc chăm lo đến đời sống của người dân cũng như tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Đồng chí NGUYỄN VĂN LỘC: Trong thời gian vừa qua, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất, định canh, định cư và an sinh xã hội. Đầu tư trực tiếp cho hộ đồng bào DTTS, từng bước thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động từng bước làm thay đổi ý thức lao động, vươn lên trong vùng đồng bào DTTS; đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và phát triển.
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ được triển khai có hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng tạo nên sự chuyển biến đáng kể về đời sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng. Kết quả giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra, từ trên 37,11% của năm 2016 xuống còn 7% vào cuối năm 2020, giảm 30,11%, bình quân mỗi năm giảm 6,02%. Vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra.
PV: Với một huyện còn nhiều khó khăn, có điểm xuất phát thấp, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra đã là một việc khó. Vậy đâu là nguyên nhân, yếu tố then chốt để dẫn đến những kết quả đáng tự hào ấy, thưa đồng chí?
Đồng chí NGUYỄN VĂN LỘC: Trước hết, phải khẳng định là huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, sự giúp đỡ, phối hợp của các ban, ngành đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển.
Tập thể Ban Chấp hành, BTV, Thường trực cấp ủy từ huyện đến cơ sở luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chấp hành và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, các nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, là nguồn động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương.
Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy đã bám sát chủ trương, nghị quyết của cấp trên, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện địa phương và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp cơ bản đạt yêu cầu. Đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của cấp ủy và HĐND trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt chính quyền điện tử và một cửa liên thông, đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được phát huy; thể hiện trách nhiệm và chủ động trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ được phân công; luôn có tinh thần phấn đấu, khắc phục khó khăn, xây dựng địa phương ổn định và thoát nghèo.
|
Việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội ở Đam Rông. Ảnh: Ngọc Ngà |
PV: Để có thể sớm hoàn thành mục tiêu đưa huyện thoát nghèo và đem lại cho người dân một đời sống thực sự thay đổi, xin đồng chí cho biết những mục tiêu tổng quát mà huyện hướng tới trong thời gian tới?
Đồng chí NGUYỄN VĂN LỘC: Huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa huyện với các địa phương trong tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% và Đam Rông trở thành huyện nông thôn mới.
Tạo đột phá trong việc huy động các nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông đối ngoại, phá thế ngõ cụt. Tập trung hỗ trợ sản xuất, phát triển nền nông nghiệp an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh chuỗi liên kết trong sản xuất, gắn với xây dựng và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đầu tư phát triển xã Đạ R’sal đạt tiêu chí đô thị loại V, tiến tới xây dựng thị trấn làm đầu tàu thúc đẩy địa phương; xây dựng trung tâm Bằng Lăng, xã Rô Men làm trung tâm chính trị, văn hóa của huyện. Đồng thời, vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đẩy nhanh công tác giảm nghèo tại 3 xã Đạ M’Rông, Đạ Tông và Đạ Long. Huy động tối đa nguồn lực, sự vào cuộc của cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở cho công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi căn bản ý thức, tư duy sản xuất, vươn lên trong vùng đồng bào DTTS.
Một nhiệm vụ trọng tâm vô cùng quan trọng đó là phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh về mọi mặt. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là ở các xã, thôn. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công khai, minh bạch, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất tốt, có năng lực, trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
PV: Chân thành cảm ơn những chia sẻ của đồng chí. Nhân dịp Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, cá nhân đồng chí có muốn gửi gắm điều gì?
Đồng chí NGUYỄN VĂN LỘC: Ở góc độ cá nhân, tôi muốn chia sẻ rằng, không dám nói đến từ kỳ diệu, nhưng nếu từng ngày, từng giờ chứng kiến, cảm nhận và đi cùng mới thấy hết được sự đổi thay rất nhiều của Đam Rông. Tôi tin chắc, với sự lãnh đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND, sự phối hợp giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là nỗ lực cao, kế thừa và phát huy những thành quả trong những nhiệm kỳ vừa qua, cộng với đó là sự đồng lòng, đoàn kết, luôn tìm được tiếng nói chung giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cũng như luôn giữ được những khát khao tốt đẹp, hướng tới mục tiêu chung, Đam Rông sẽ còn tiếp tục phát triển. Đó chính là khát vọng cho một chặng đường phát triển mới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành những chia sẻ cho Báo Lâm Đồng, chúc Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đam Rông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp!
|
Đam Rông ngày mới. Ảnh: Chính Thành |
TUẤN LINH (thực hiện)