Ngày làm việc đầu tiên, Trung ương thảo luận dự thảo Văn kiện Đại hội XIII In trang
06/10/2020 09:25 SA

Trong ngày làm việc đầu tiên, Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận dự thảo Văn kiện Đại hội XIII; trong đó có dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng...

Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Trung ương Đảng,  ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị lần thứ 13, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành.  

Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên khai mạc tại hội trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng báo cáo, xin ý kiến Trung ương về chương trình hội nghị. Sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc.

Ngày làm việc đầu tiên, Trung ương thảo luận dự thảo Văn kiện Đại hội XIII

Hội nghị Trung ương 13 khai mạc sáng ngày 5/10. Ảnh: Nhật Bắc


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đọc tờ trình của Bộ Chính trị về bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về cập nhật tình hình mới và tiếp thu ý kiến của một số tổ chức đảng và cá nhân, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đọc tờ trình của Bộ Chính trị về tiếp thu ý kiến của các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng.

Kế đến, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021 - 2023.

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Dự báo hết các tình huống để chuẩn bị đối phó 

Trong bài phát biểu khai mạc sáng nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, do năm 2020 bị tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương nghiên cứu cập nhật tình hình mới và tiếp thu các ý kiến, đóng góp xác đáng, bước đầu thu nhận được từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, một số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trình Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào các dự thảo mới và tờ trình, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chú ý đến những nội dung bổ sung, sửa đổi so với dự thảo đã in gửi, đặc biệt là các vấn đề nêu trong các tờ trình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương xem xét thông qua nội dung dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội và Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIII của Đảng để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, dự kiến vào trung tuần tháng 10 này.

Liên quan đến Báo cáo kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2020 và các năm 2021 - 2022; cập nhật điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu và các chính sách, biện pháp chủ yếu, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng của nước ta.

Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là việc dự báo hết các tình huống để chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp, kể cả trong tình huống xấu nhất...

(Vietnamnet.vn) 

Lượt xem: 1.917
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003995993
  •  Đang online: 96
  •  Trong tuần: 13.366
  •  Trong tháng: 75.217
  •  Trong năm: 1.297.368