Gửi trọn niềm tin vào Đại hội (tiếp theo) In trang
14/10/2020 07:32 SA

LTS: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 14-16/10 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đề ra các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh giai đoạn mới. Trước thềm Đại hội, nhiều đại biểu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có những mong mỏi, kỳ vọng và gửi trọn niềm tin vào sự thành công của Đại hội. Phóng viên Báo Lâm Đồng lược ghi những tâm nguyện của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề này.

Đồng chí Hà Phước Toản - Nguyên Ủy viên BTV, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy:

Kỳ vọng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá

Có thể khẳng định, 5 năm qua mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã đề ra.

17 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt. Với kết quả ấn tượng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, chắc chắn đây sẽ là tiền đề, nền tảng thuận lợi để Đảng bộ và Nhân dân Lâm Đồng tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển vững chắc trong 5 năm tới. Thực hiện thắng lợi chủ đề của Đại hội lần thứ XI là “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và trở thành tỉnh khá của cả nước”.

Trong không khí hân hoan, phấn khởi hướng về Đại hội tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ XI, với tư cách là một đảng viên, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tôi rất kỳ vọng chủ đề của đại hội như đã nêu sẽ sớm thực hiện thành công để đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước như mục tiêu tổng quát mà Đại hội đề ra.

 

Đồng chí Khuất Minh Phương - Nguyên Ủy viên BTV, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: 

Đội ngũ cán bộ kế thừa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Nhìn một cách tổng quát: Cơ cấu chuyển dịch hợp lý; các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả đáng trân trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên được nâng cao.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Tỉnh ủy đã có những giải pháp phù hợp, tạo những chuyển biến khá rõ nét trong nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong công tác xây dựng Đảng, đã quan tâm chỉ đạo tìm biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cảnh giác với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội, thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm.

Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền được củng cố và không ngừng tăng lên.

Hy vọng đội ngũ cán bộ kế thừa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm, từng bước gắn bó và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao đạt hiệu quả tốt, giữ vũng được lòng tin của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Chị Bon Jô Liên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lạc Dương:

Sẽ chọn lựa được những cán bộ đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ

Tôi mong muốn các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần này sẽ công tâm, nêu cao tinh thần, trách nhiệm và chọn lựa được những cán bộ đủ đức, đủ tài, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đảm đương tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. 

Là một đảng viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác gắn với chị em phụ nữ, thời gian qua, tôi đã nỗ lực tuyên truyền tới các chị em về Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 trong các cuộc họp của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, các cuộc họp của các chi hội phụ nữ cơ sở.

Theo đó, ở cấp huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã làm công trình “Lắp đặt hệ thống đèn điện năng lượng mặt trời” cho 30 hộ dân tại đường nhánh tổ dân phố Bon Dưng I. Tổ chức hội thi văn nghệ, biểu diễn nét đẹp áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Biểu dương 24 gia đình hội viên tiêu biểu trên các lĩnh vực. Ở các xã, thị trấn, hội viên Hội Phụ nữ xã Đạ Nhim triển khai công trình “Trồng, chăm sóc hoa”; Hội Phụ nữ thị trấn Lạc Dương triển khai công trình “Làm sạch đẹp tuyến đường 19/5”; Hội Phụ nữ xã Đạ Sar hỗ trợ hội viên nghèo; Hội Phụ nữ xã Lát làm đường hoa tại thôn Đạ Nghịt và Đạ Nghịt I; Hội Phụ nữ xã Đưng K’Nớ và Đạ Chais trồng cây Mai anh đào ở trụ sở UBND xã và khu dân cư...

 

Anh Phan Thanh Sang - Phó Chủ tịch  Hội LHTN VN tỉnh, thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp:

Quan tâm thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học

Tôi rất mừng khi nhiệm kỳ qua, tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói rằng, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về năng suất, thu nhập cũng như chất lượng sản phẩm và trở thành “điểm sáng” về sản xuất NNCNC trong cả nước. Tư duy làm nông nghiệp kiểu mới đã lan tỏa từ Đà Lạt đến cả người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện. Có thể nói rằng, lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh; là điểm tựa để nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, du lịch là một ví dụ điển hình.

 

Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay ở một số địa phương khác cũng đang có nhiều chính sách ưu tiên để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Họ có tiềm lực mạnh về kinh tế và đầu tư rất mạnh cho NNCNC. Một số mô hình NNCNC được đầu tư rất lớn, hiện đại và hiệu quả có khi còn hơn cả các mô hình lớn ở Đà Lạt. Để đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh có nền nông nghiệp hiện đại và bền vững trong thời gian tới, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm đẩy mạnh việc kết nối, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đối với công tác xây dựng thương hiệu, thì ngoài đẩy mạnh quảng bá xây dựng thương hiệu chung “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cần quan tâm gắn với việc thúc đẩy người dân xây dựng thương hiệu riêng, để cùng phối hợp đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Tôi cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ tới sẽ quan tâm thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học sản xuất giống Invitro; đẩy mạnh xuất khẩu giống nuôi cấy mô trên địa bàn; nhập khẩu những giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, nhất là giống hoa, xem đây là bước đột phá quan trọng của ngành hoa. Và, cũng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và nông dân đầu tư nhà kính hiện đại, sinh thái hài hòa với cảnh quan và được là tài sản đảm bảo để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…

Ông Phạm Anh Dũng, Phường 1, TP Đà Lạt:

Cần có những biện pháp hiệu quả để phát triển du lịch bền vững

Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, 5 năm qua, tôi thấy Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đã có sự phát triển khá tốt trong lĩnh vực này. Phong trào du lịch tận hưởng không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên, không gian núi đồi với các mô hình kết hợp nông - lâm - homestay nở rộ mạnh mẽ, thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Lượng khách du lịch đến Đà Lạt những năm qua tăng lên đáng kể, Đà Lạt và các vùng phụ cận không chỉ đông khách vào dịp lễ hội mà vào tất cả các ngày trong tuần. Một số tuyến bay quốc tế cũng được mở tại Đà Lạt cho thấy Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng phát triển tích cực... 

Tuy nhiên, đi cùng với những phát triển đó thì thời gian qua cũng phát sinh những hệ lụy như cảnh quan thiên nhiên bị ảnh hưởng, đường sá chưa phát triển kịp với mật độ du khách... Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới sẽ đề ra những biện pháp hiệu quả để đầu tư phát triển du lịch bền vững, giữ được bản sắc riêng của Đà Lạt - Lâm Đồng. 

Tôi cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ tới sẽ khởi động được dự án giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Nếu như các quốc lộ được đầu tư tốt hơn, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư thì du lịch Lâm Đồng sẽ phát triển mạnh hơn nữa và thu hút được nhiều hơn lượng khách cao cấp. 

Tôi cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm và quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, quy hoạch trồng thêm cây xanh ở khu đô thị, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Già làng Điểu K’Lộc, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên:

Cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc

Tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra trong thời gian tới sẽ bầu ra Ban Chấp hành khóa mới là những người có đủ đức, đủ tài, đủ tầm, tâm huyết để lãnh đạo xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt tiếp tục quan tâm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số (DTTS). Tôi mong đại hội sẽ đề ra những chính sách phù hợp, các giải pháp tạo việc làm hiệu quả cho thanh niên DTTS, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi hợp lý để xây dựng quê hương Đồng Nai Thượng ngày càng phát triển.

Trong nhiệm kỳ tới, tôi cũng mong cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, đề ra mục tiêu, giải pháp tốt hơn nữa về vấn đề bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, gắn với phát triển du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cần phải nghiên cứu làm sao để một mặt các nghệ nhân yên tâm truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, mặt khác có thể tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Một vấn đề nữa, tôi muốn gửi đến đại hội, đó là đại hội cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức để khôi phục các làng nghề, lễ hội truyền thống của người DTTS trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Tôi đặt trọn niềm tin, kỳ vọng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sẽ thành công tốt đẹp và đề ra nhiều quyết sách đưa tỉnh Lâm Đồng sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

 

Linh mục Dương Công Hồ, Quản xứ Giáo xứ Thánh Tâm (Lộc Tiến, TP Bảo Lộc):

Người có đạo đồng hành cùng với Đảng để sống “Tốt đời, đẹp đạo”

Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020 - 2025, Linh mục Dương Công Hồ cho rằng: Thời gian qua, các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và Giáo xứ Thánh Tâm (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện rất tốt trong hoạt động tôn giáo. “Ở Giáo xứ chúng tôi được chính quyền địa phương giúp đỡ mọi mặt. Cụ thể, là việc phối hợp thực hiện các công trình chỉnh trang đô thị xây dựng “Giáo xứ sáng, xanh, sạch, đẹp” và chỉnh trang xây dựng nghĩa trang… Đặc biệt, nhiều hộ gia đình giáo dân còn được vay vốn sản xuất, được hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, bà con giáo dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế ổn định. Nhờ vậy, bà con giáo dân luôn một lòng theo Đảng cùng đóng góp công sức, trí tuệ và kinh phí xây dựng quê hương Bảo Lộc ngày càng giàu đẹp, văn minh”. 

Chính sự quan tâm của địa phương và sự phối hợp nhịp nhàng với giáo xứ, từ năm 2016 đến nay, Linh mục Dương Công Hồ đã vận động bà con giáo dân ở Thánh Tâm (Lộc Tiến) đóng góp hơn 10 tỷ đồng xây dựng hơn 10 km đường bê tông, nhựa nóng làm đẹp cho cảnh quan đô thị ở Lộc Tiến.

 Linh mục Dương Công Hồ và bà con giáo dân kỳ vọng vào một kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ mới sẽ bầu ra một ban chấp hành hội tụ đủ đức, đủ tài và đủ năng lực để lãnh đạo địa phương ngày một phát triển nhanh và bền vững. “Tất cả chúng tôi đều mong muốn, được Đảng, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện tốt nhất và phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ để cùng chung tay đóng góp xây dựng quê hương. Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng sẽ giúp bà con giáo dân thực hiện tốt phương châm “Một giáo dân tốt cũng là một công dân tốt”, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần “Người có đạo đồng hành với Đảng sống tốt đời, đẹp đạo” đóng góp công sức, trí tuệ cùng xây dựng Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp”.

Chị Nguyễn Bùi Minh Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bảo Lộc: 

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, là sự kiện chính trị thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Phụ nữ thành phố Bảo Lộc nói riêng và phụ nữ Lâm Đồng nói chung đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, phát động nhiều phong trào thi đua để chào mừng và hướng về Đại hội, trong đó có nhiệm vụ góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XI. Thông qua đó, có thể thấy đa phần chị em bày tỏ niềm vui mừng, sự phấn khởi và tin tưởng trước những đổi mới về nhiều mặt, những thành tựu mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong 5 năm qua.

Hướng đến chặng đường 2020 - 2025, phụ nữ thành phố Bảo Lộc gửi trọn niềm tin và chờ đón những quyết định sáng suốt của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI với mong muốn: Tỉnh quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ nói chung và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số; đưa chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vào hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của tỉnh, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực; tỷ lệ hộ nghèo từ 6,67% năm 2015 đến nay đã giảm xuống còn 1,35%. Tuy nhiên, một bộ phận hộ phụ nữ nghèo nằm trong đối tượng khó thoát nghèo, vì vậy, mong rằng tỉnh sẽ quan tâm hơn đến những đối tượng yếu thế này để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Lê Sỹ Huế, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm: 

Cần có quyết sách xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ

Trước tiên, cũng như bao người dân khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tôi tin tưởng và kỳ vọng các đại biểu tham dự Đại hội thể hiện trách nhiệm của mình thông qua lá phiếu để bầu ra một Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa mới “Đoàn kết, thống nhất, đủ đức, đủ tài và đủ năng lực” lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển vững mạnh và mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho Nhân dân.

Lâm Đồng được đánh giá là một trong những địa phương có nền nông nghiệp phát triển mạnh vào loại bậc nhất cả nước. Sản phẩm nông nghiệp tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, đa phần người dân vẫn sản xuất theo hướng tự phát và còn lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, tôi mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ có những quyết sách đúng đắn để xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ mang tính toàn diện. Muốn vậy, những cán bộ, lãnh đạo tỉnh nhà nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nói riêng phải đoàn kết một lòng, có đủ đức, tài và năng lực nhìn xa, trong rộng “nói phải đi đôi với làm”. Từ đó, cùng chung sức, chung lòng xây dựng những phương án quản lý chặt chẽ trong việc cấp phép các cơ sở sản xuất cây giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ để tránh rủi ro cho người nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân vay vốn đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng an toàn hữu cơ để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đối với vấn đề này, địa phương và các ngành chức năng phải có phương án quản lý khoa học về chất lượng tất cả các loại sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, địa phương và các ngành chức năng cần có những phương án xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân để người dân yên tâm đầu tư sản xuất không lo về chuyện “được mùa rớt giá”. Có như vậy, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp mới được nâng cao góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân.

(Baolamdong.vn)

Lượt xem: 1.592
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003893339
  •  Đang online: 48
  •  Trong tuần: 25.816
  •  Trong tháng: 108.058
  •  Trong năm: 1.194.714