Ngày 26/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII với chủ đề “Kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tham gia các Hiệp định Thương mại quốc tế”.
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Công Thương điều hành Hội thảo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thể hiện sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân”.
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã điểm lại những kết quả của nhiệm kỳ qua, trong đó khẳng định: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức; ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dự thảo Văn kiện cũng nêu hạn chế trong lĩnh vực này là năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp tuy đã được nâng cao một bước nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận, cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân của hạn chế được phân tích là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thật sự sâu sắc, thống nhất; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ ghĩa chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Bà Hà Thị Nga cho biết, trong phát triển kinh tế, lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước với lực lượng hơn 50,2% dân số cả nước; khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Ở Việt Nam, doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trải qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức kinh tế - thương mại lớn như Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương...
Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Từ một quốc gia thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu trong nhiều năm gần đây. Năm 2019, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt hơn 517 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục gần 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó phụ nữ ở Việt Nam thường không nhận được sự đối xử bình đẳng. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có việc tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ cần được coi là ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng của phụ nữ, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội. |
Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Việt Nam Hà Thị Thu Thanh cho rằng, hội nhập kinh tế với những Hiệp định Thương mại thế hệ mới đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cũng là những thách thức và lực cản cho phát triển kinh tế.
Bà Hà Thị Thu Thanh đề xuất cần tập trung ưu tiên phát triển doanh nghiệp nữ làm chủ, mạng lưới nữ doanh nhân Việt Nam; định hướng một cách rõ ràng cho sự phát triển của phong trào nữ doanh nhân Việt Nam với mục tiêu là gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới trong toàn xã hội.
Các đại biểu cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần đổi mới hình thức, phương pháp học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng trong khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân: kết hợp chặt chẽ hình thức phổ biến, quán triệt làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn với gợi mở những vấn đề thực tế đang đặt ra với các hình thức tọa đàm, trao đổi, phát huy tìm tòi, sáng tạo của mỗi cá nhân; đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên đề để làm rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng.
Hội thảo nhằm tổng hợp ý kiến từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, các nữ doanh nhân đến từ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để có cách nhìn tổng thể về vấn đề kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
(Baotintuc.vn)