Góp ý văn kiện Đại hội XIII: 'Tôn giáo cũng là nguồn lực phát triển đất nước' In trang
30/10/2020 10:59 SA

TTO - Thượng toạ Thích Đức Thiện phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Tôn giáo cũng là nguồn lực phát triển đất nước - Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Ảnh: QUANG VINH

Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XIII được MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 30-10.

Đã thực sự thể hiện nguyện vọng của nhân dân

Tiến sĩ, Thượng toạ Thích Đức Thiện - phó chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nhất trí với phương châm của Đại hội XIII: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.

Ông cho rằng phương châm và chủ đề của đại hội "đã thực sự thể hiện nguyện vọng của nhân dân, thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân. Đặc biệt trong chủ đề đại hội nhấn mạnh đến yếu tố dân tộc, tinh thần dân tộc".

"Nhìn lại chặng đường phát triển đất nước trong 10 năm qua, đứng trên phương diện văn hóa tâm linh, có thể nói là vận nước đã đến. Chúng ta biết phát huy được tiềm năng thiên cổ và đón nhận được thời cơ phát triển" - thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.

Vị tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn lại câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Về phương diện văn hóa, thượng tọa đề nghị: "Tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới đến năm 2030 cần phải tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng, là bệ đỡ, là dẫn lối cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa là sức mạnh vô địch đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và nâng cao vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế".

Theo thượng tọa Thích Đức Thiện, mặc dù văn hóa quan trọng như vậy nhưng "chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước".

"Văn hóa là sức mạnh mềm của quốc gia. Để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định nằm ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" - ông nhấn mạnh.

Với tôn giáo, thượng tọa đề nghị: "Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII cần nhấn mạnh tôn giáo không chỉ là thành tố văn hóa, mà thực sự còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước, như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc tại hội nghị biểu dương các chức sắc tôn giáo tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2019".

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Tôn giáo cũng là nguồn lực phát triển đất nước - Ảnh 2.

GS Võ Đại Lược - Ảnh: QUANG VINH

Đổi mới chính trị chậm hơn đổi mới kinh tế

GS Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, cho rằng Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhiều vấn đề đặt ra ở tầm quốc tế chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng, những mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu... tác động đến nước ta.

Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới được tiến hành từ năm 1986, đến nay đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển kinh tế, đồng thời thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi mới cần điều chỉnh về tư duy, giải pháp, mục tiêu.

"Nhưng tôi đọc dự thảo thì thấy ít cái mới. Nếu chúng ta vẫn duy trì tư duy cũ, ví dụ như như đất đai vẫn sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước vẫn chủ đạo... Chúng ta đã thấy thực trạng vừa qua tranh chấp, kiện cáo trong lĩnh vực đất đai rất phức tạp; những sai phạm trong doanh nghiệp nhà nước thì hậu quả cũng rất lớn, lãnh đạo các tập đoàn, công ty nhà nước vi phạm khá nhiều" - GS Lược phân tích.

Ông đề nghị cần nghiên cứu, xem xét tư duy về nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, đây là sáng tạo của Việt Nam vì Mác, Lênin cũng không nói khái niệm này. "Trên thực tế, bây giờ chúng ta hội nhập rất sâu, ký mười mấy cái FTA rồi, nếu giữ cái khái niệm này thì nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của chúng ta" - ông nói.

GS Võ Đại Lược nhắc lại quan điểm của Đảng về mối quan hệ của đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị và cho rằng thời gian qua đổi mới kinh tế rất mạnh, mang lại nhiều hiệu quả nhưng đổi mới chính trị lại chậm.

"Bây giờ chúng ta phải đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế. Đến giờ này chúng ta vẫn chưa thực sự có cơ chế tốt để kiểm soát được quyền lực. Ví dụ như cơ chế xin - cho vẫn còn. Tôi cho rằng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng phải đặt ra vấn đề đổi mới hệ thống chính trị" - ông Lược kiến nghị.

Cũng đề cập đến vấn đề này,tTiến sĩ, ĐBQH, thượng tọa Thích Thanh Quyết - phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho rằng vấn đề lớn đang được đặt ra là kiểm soát quyền lực, chống tha hóa quyền lực trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, những cán bộ, đảng viên được trao quyền.

(tuoitre.vn)

Lượt xem: 1.637
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003998532
  •  Đang online: 46
  •  Trong tuần: 15.905
  •  Trong tháng: 77.756
  •  Trong năm: 1.299.907