Cải cách tư pháp hướng tới nền tư pháp độc lập In trang
13/11/2020 01:52 CH

(ĐHXIII) –  Các ý kiến cho rằng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần làm rõ hơn nội dung về cải cách tư pháp, hướng tới các giải pháp đảm bảo độc lập tư pháp.

Ngày 11/11, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC)  tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp. Năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc của tư pháp để chỉ đạo cải cách. Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp. Trong Chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC  phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH)

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp.

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, dự thảo Báo cáo chính trị cũng thẳng thắn thừa nhận: Cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.

Các ý kiến tại Hội nghị cho rằng, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, khoa học, toàn diện, sâu sắc, có tính kế thừa các mục tiêu cơ bản đối với định hướng xây dựng nền tư pháp trong thời gian tới. Đồng thời định hướng cải cách tư pháp theo Văn kiện của Đảng cũng được bổ sung, phát triển nhiều mục tiêu cơ bản mới, như: chuyên nghiệp, công bằng, liêm chính. Đây là bước chuyển mới về chất, thể hiện bản chất của nền tư pháp. Qua đó kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc và tiếp cận giá trị tư pháp hiện đại trên thế giới.

GS.TSKH Đào Trí Úc, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật nhận định: Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có nội dung “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” là rất đúng đắn. Đây cũng là sự tiếp tục phát triển yêu cầu mà Chiến lược cải cách tư pháp đặt ra. Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.

Đồng thời, cho rằng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần khẳng định Tòa án nhân dân là thiết chế thực hành quyền tư pháp mà không phải thiết chế nào khác, dù có tham gia vào quỹ đạo, phạm vi của quyền tư pháp và được gọi dưới tên chung là “các cơ quan tư pháp”.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TH)

GS.TS Lê Hồng Hạnh nêu quan điểm, cần phải nhận thức đúng bản chất của độc lập tư pháp. Độc lập tư pháp chính là việc đảm bảo để Tòa án có thể xét xử tuân theo pháp luật, không chịu sự chi phối của cá nhân nào ngoài quy trình tố tụng luật định. Do đó, cải cách tư pháp cần hướng tới các giải pháp đảm bảo độc lập tư pháp cân bằng với vai trò lãnh đạo của Đảng về chủ trương, chính sách về công tác tư pháp, trong đó chú trọng đến yêu cầu thượng tôn pháp luật trong quan hệ với Tòa án.Nhấn mạnh Dự thảo Báo cáo Chính trị phải đặc biệt chú trọng đến cải cách tư pháp hướng tới nền tư pháp độc lập, GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp nêu rõ: Khả năng và mức độ hiện thực hóa những giá trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vào đời sống xã hội phụ thuộc rất nhiều vào mức độ độc lập của quyền tư pháp.

Hoàn thiện và luật định các tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm và điều động Thẩm phán; chế độ lương, chế độ quản lý nhằm đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán.

GS.TS Võ Khánh Vinh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cần đưa quan điểm tăng cường quyền tư pháp, quan điểm độc lập tư pháp, tăng cường vị thế của Thẩm phán trong cải cách tư pháp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cùng với đó, cần tăng cường mọi nguồn lực cho cải cách tư pháp, đặc biệt nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính; đẩy mạnh phát triển nhân lực tư pháp đảm bảo đủ khả năng, năng lực để tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.880
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003999881
  •  Đang online: 44
  •  Trong tuần: 17.254
  •  Trong tháng: 79.105
  •  Trong năm: 1.301.256