Cân bằng sự phát triển giữa các vùng, miền In trang
26/11/2020 09:15 SA

(ĐHXIII) - Nhiều ý kiến tâm huyết để phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII nhằm tiếp tục nâng cao vị thế của đất nước, đặc biệt là phát triển và cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền để từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên góp ý nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên góp ý nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN

Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam còn có những hạn chế, khó khăn. Đó là sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hệ thống doanh nghiệp chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, công tác nghiên cứu tiếp cận thị trường quốc tế chưa nhiều. Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, làm lãng phí nguyên tài nguyên của đất nước.

Từ thực tế đặt ra, ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đề xuất, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông để tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng miền; tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Còn theo Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk, hiện nay đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ tiếp theo và cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền, cần có chính sách đặc thù ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đồng hành phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, miền núi, biên giới. Ngoài ra, trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa cần gắn với phát triển và bảo vệ bền vững môi trường tài nguyên.

Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, trong phát triển kinh tế xã hội, chỉ có phát triển đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm chênh lệch mức sống giữa các vùng miền thì mới thực hiện được đại đoàn kết dân tộc. Muốn đạt được mục tiêu đó thì phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng quyết tâm để tạo nên sự chuyển biến tích cực cho tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Việt Nam là nước nông nghiệp, tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng hiệu quả nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng này. Trong bối cảnh hiện nay, để tạo nên chuyển biến về kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh môi trường tài nguyên, phải chuyển đổi sinh kế một cách hiệu quả tùy vào đặc điểm, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi khu vực, mỗi địa phương. Hiện nay, một trong những mô hình chuyển đổi sinh kế đạt hiệu quả cao đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Vấn đề là không nên quá quan tâm vào các chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phải quan tâm vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách như thế nào cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.

Mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ đồng bào miền núi

Với mong muốn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tập trung trí tuệ và trách nhiệm trước Đảng, Đảng bộ thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và đã thu được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện trình Đại hội.

Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình Vũ Thanh Tùng cho biết: Đảng bộ thị trấn đã quán triệt tới 23 chi bộ và tổ dân phố trên địa bàn để tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo các báo cáo, văn kiện trình Đại hội. Qua tổng hợp ý kiến đóng góp của người dân, hầu hết mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng sẽ đề ra những quyết sách đúng, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển toàn diện và có thêm chính sách hỗ trợ đồng bào miền núi.

Tham gia góp ý vào dự thảo các báo cáo, văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cô giáo Phạm Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú – Trung học Cơ sở huyện Mù Cang Chải mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng tiếp tục quan tâm tới giáo dục vùng cao như: bổ sung đủ nguồn giáo viên phục vụ cho công tác giáo dục tại huyện, đặc biệt là nhóm giáo viên tiếng Anh hiện nay đang thiếu rất nhiều; bổ sung nguồn nhân viên quản sinh để quản lý, chăm sóc các em học sinh ngoài giờ, giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn phục vụ cho công tác chuyên môn ngoài giờ lên lớp.

Đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), qua triển khai đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ và cho rằng văn kiện đã được xây dựng công phu, thể hiện toàn diện sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Là huyện vùng cao còn rất nhiều khó khăn, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Mù Cang Chải mong muốn nhiệm kỳ tới, Đảng, Nhà nước cần có chính sách đặc thù đối với từng địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục…góp phần tạo thêm việc làm ổn định cho đồng bào vùng cao.

Bà Lý Thị Sông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Qua theo dõi báo chí, tôi rất phấn khởi về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, sự đổi mới của đất nước và đã có những chính sách đầu tư cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như ở Mù Cang Chải. Tôi mong muốn Đại hội XIII của Đảng sắp tới cần có những chính sách riêng cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như Mù Cang Chải”.

Có thể thấy, những ý kiến đóng góp thực chất, xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã khẳng định niềm tin, kỳ vọng của nhân dân trong nhiệm kỳ mới, Đảng lãnh đạo sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách đúng để đưa nước ta phát triển toàn diện, bền vững./.

(daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.450
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004000993
  •  Đang online: 35
  •  Trong tuần: 35
  •  Trong tháng: 80.217
  •  Trong năm: 1.302.368