(ĐHXIII) - Thủ tướng nêu rõ: Nhiệm vụ của Chính phủ là phải điều hành để đưa đất nước tiến bước, thực hiện cho được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ họp vào ngày 25/1 tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế
Chiều 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế để nghe ý kiến của các chuyên gia về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan chủ yếu dành thời gian để lắng nghe ý kiến, những chia sẻ đúng đắn về kinh tế Việt Nam, về chính sách tiền tệ mà Chính phủ đã điều hành trong thời gian qua, những kết quả đã đạt được, đặc biệt những vấn đề đặt ra trong thời gian tới. “Vì chúng ta biết con đường phía trước không chỉ là con đường cao tốc mà còn phải gặp những "ổ gà, ổ trâu" trong quá trình phát triển. Chúng ta không được vấp ngã để kinh tế Việt Nam tụt dốc”. Thủ tướng nêu rõ: Nhiệm vụ của Chính phủ là phải điều hành để đưa đất nước tiến bước, thực hiện cho được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ họp vào ngày 25/1 tới. Chúng ta sẽ phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Tại cuộc họp này, trong cái thời lượng cho phép, chúng tôi muốn nghe sự hiến kế góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn lớn của đất nước, trước hết trong năm 2021, một năm mà chúng ta phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, đó là kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, Thủ tướng nói. Trong thời gian tới, chúng ta phải đi lên bằng cách nào với “đôi cánh” một bên là khát vọng cường thịnh, một bên là chính sách, cơ chế phát triển và đi liền với đó là công nghệ; “sức mạnh tinh thần của dân tộc cùng với những giải pháp chỉ đạo, điều hành của các cơ quan với sự tham mưu của nhiều đồng chí có kinh nghiệm để đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước”.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề cuộc họp
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, năm 2020 là năm đặc biệt, đầy thách thức nhưng Việt Nam đã vượt qua một cách thành công. Chính phủ đã hành động quyết liệt, quyết đoán, qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần thúc đẩy kinh tế. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã chấp nhận thâm hụt để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã làm tốt việc ổn định và khôi phục tăng trưởng. Chính phủ đã rất coi trọng, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nhờ đó, giúp cho tăng trưởng chung.
Về dự báo tình hình năm 2021, các chuyên gia cho rằng, chỉ có thể khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục chú trọng 2 nhóm giải pháp bao gồm: Phòng chống dịch bệnh; kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh đầu tư công. Song, các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi nền kinh tế phục hồi thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng, cần hết sức lưu ý vấn đề này. Do đó, cần tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô; thúc đẩy phục hồi tiêu dùng dân cư, đầu tư tư nhân; tiếp tục gia cố thêm chính sách, không đảo chiều chính sách.
Một số ý kiến mong muốn Chính phủ chú trọng hơn đến phục hồi kinh tế theo hướng xanh; tuần hoàn kép nhằm tận dụng tối đa những gì hội nhập quốc tế mang lại, gọi là tuần hoàn quốc tế và tuần hoàn thị trường nội địa; Thể chế cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, kinh tế số, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và khâu thực thi phải tốt hơn; Cơ hội vàng tái cơ cấu lại nền kinh tế để phân bổ nguồn lực tốt hơn; Tiếp tục các gói hỗ trợ. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh vấn đề vaccine - bài toán cho tăng trưởng.
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Chúng ta đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng theo năm 2021 và 5 năm tới một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô. Nhất là người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh, có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 và các năm tiếp theo". Nhấn mạnh tinh thần không chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị cần chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế.
Nhấn mạnh một số tồn tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần lưu ý các bài học đề phòng lạm phát, nợ xấu. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn nhiều điểm hạn chế, cần nỗ lực làm tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có một số cơ chế đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Môi trường đầu tư-kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản, nhất là vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt... Thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ôtô, điện tử…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ phải làm nhiều việc, nhất là thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược. Cải cách hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững là những trọng tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số quốc gia là con đường tất yếu. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các chuyên gia cần tích cực phát hiện, đề xuất các chính sách để thu hút phát triển, tháo gỡ vướng mắc, tìm động lực mới cho phát triển.
Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới. Tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tư vấn để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Nghiên cứu giải pháp hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước.
(Daihoi13.dangcongsan.vn)