Tạo bước đột phá về thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao In trang
04/03/2021 07:27 SA

(ĐHXIII) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về thể chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sang cơ chế tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng...

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ngày 3/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố (TP) Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh… chủ trì buổi làm việc.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, công tác VH&TT Hà Nội năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 đã đạt được nhiều thành tích. Điểm nổi bật trong thời gian qua là Sở đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; đồng thời tích cực tham mưu xây dựng Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, với việc thực hiện tu bổ, tôn tạo 179 di tích, tổng kinh phí hơn 1.546 tỷ đồng, trong đó có gần 468 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa; đồng thời xếp hạng 46 di tích (trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 01 di tích cấp Quốc gia)...
Ngoài ra, Sở VH&TT cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong bối cảnh dịch COVID-19. Công tác văn hóa, gia đình, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao… đều được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ Thành phố giao, Sở đã tiến hành cải tạo, sửa chữa các công trình phục vụ đăng cai tổ chức SEA Games 31 và huấn luyện, chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên phục vụ SEA Games 31...
Tuy vậy, Giám đốc Sở VH&TT Trần Thế Cương cũng nhìn nhận, văn hóa Hà Nội vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được hết mong mỏi là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội rất lớn, nhưng thực tế chưa đủ nguồn lực để tu bổ, tôn tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố cũng chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô....
Tại buổi làm việc, Sở VH&TT Hà Nội đã nêu 5 nhóm kiến nghị với thành phố. Trong đó, Sở kiến nghị thành phố cho phép tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao như có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng không qua thi tuyển đối với những nghệ sĩ, vận động viên có thành tích xuất sắc; tiếp tục xây dựng thiết chế thể dục, thể thao ngoài trời giai đoạn 2 để phục vụ nhân dân tập luyện, nâng cao sức khỏe...
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, lãnh đạo UBND TP, các đồng chí Thường trực Thành ủy, phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ, buổi làm việc có ý nghĩa rất cần thiết, không chỉ đánh giá kết quả đạt được của ngành văn hóa và thể thao, đề ra phương hướng phát triển và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mà còn cung cấp những luận cứ để xây dựng Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khoá XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025".
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, văn hóa, thể thao của Hà Nội còn dư địa, tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng hiện nay, lĩnh vực văn hóa, thể thao còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém. Đầu tư phát triển lĩnh vực này chưa tương xứng, còn dàn trải, hiệu quả thấp…. Đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 06, Sở VH&TT phải tập trung phân tích, đánh giá kỹ hơn về những hạn chế, yếu kém, trong đó, cần phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; trọng tâm là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu của thành phố là phải đưa văn hóa, thể dục, thể thao, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô; Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về văn hóa; con người Hà Nội trở thành con người Việt Nam tiêu biểu trong thời đại mới vì “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Chính vì thế, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị ngành VH&TT TP cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, những mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII để cụ thể hóa, triển khai thành các nhiệm vụ của ngành.
Để làm được, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về thể chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở VH&TT sang cơ chế tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng. Nhưng trước khi tham mưu, ban hành những quyết sách mới, các cơ quan thành phố phải trao đổi kỹ với các nhà hát, trung tâm; không phải thực hiện tự chủ là để cho nhà hát, trung tâm tự lo hết...
Đồng chí Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những kiến nghị của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở VH&TT. Trong đó, bằng các nguồn vốn phải sớm đầu tư xây dựng rạp mới phục vụ công tác biểu diễn cho Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội và xem xét, bố trí rạp biểu diễn cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Đồng thời nghiên cứu tham mưu, đề xuất đổi mới chính sách phí tham quan các di tích văn hóa, lịch sử bảo đảm phù hợp các đối tượng.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn sau cuộc làm việc, các cơ quan TP sẽ vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; tạo ra thay đổi thực chất, vị thế của Thủ đô trong lĩnh vực VH&TT, con người Hà Nội phát triển nhanh hơn; văn nghệ sĩ, vận động viên sống được bằng nghề…/.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.383
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004003346
  •  Đang online: 24
  •  Trong tuần: 10.489
  •  Trong tháng: 53.721
  •  Trong năm: 53.721