(ĐHXIII) - Lựa chọn cho được những đại biểu xứng đáng, trong đó lấy chất lượng đại biểu là nòng cốt chính là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.
Nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH
Quốc hội ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, thì chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Khẳng định quan điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, đây là lý do quan trọng để Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, giảm tỷ lệ ĐBQH ở khối cơ quan hành pháp. Quốc hội khóa XV vẫn có 500 đại biểu, trong đó, đại biểu chuyên trách tăng từ 35% ít nhất lên 40%. Quy định này sẽ tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhân sự đến giới thiệu người ứng cử.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: BH).
Theo nhiều đại biểu, quy định này phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ đại biểu thuộc khối hành pháp rất khó bố trí thời gian dự đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, chưa nói đến chuyện họ phải làm tròn cả hai vai. Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông phân tích, đại biểu Quốc hội ở khối các cơ quan hành pháp khó tự nói ra yếu kém của Chính phủ hoặc địa phương mình, dẫn đến họ ít phát biểu, hoặc có phát biểu cũng né tránh những vấn đề gai góc của cuộc sống vì sợ đụng chạm. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu khi thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn; việc truy trách nhiệm đến cùng về sự yếu kém trong quản lý bộ, ngành không được thể hiện rõ nét. Do vậy, việc điều chỉnh tăng đại biểu chuyên trách là phù hợp. Đại biểu chuyên trách là những người có tiếng nói trong Quốc hội, ít phụ thuộc, chịu tác động, ràng buộc bởi các yếu tố quản lý hành chính Nhà nước.
Hơn nữa, “tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách cũng chính là tạo điều kiện, dư địa để kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp tốt hơn. Đại biểu Quốc hội ở khối cơ quan hành pháp lại đi kiểm soát cơ quan hành pháp thì không khách quan”, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho biết.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh lưu ý thêm, mỗi một nhiệm kỳ Quốc hội, chúng ta đều có sự tính toán để phân định một tỷ lệ các ĐBQH theo thành phần, nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã quy định rõ về tỷ lệ các thành phần trong cơ cấu ĐBQH. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 cũng có những điểm nhấn quan trọng như ấn định tỷ lệ 5% ĐBQH là các chuyên gia, nhà khoa học. Như vậy, số lượng đại biểu ở Trung ương, đại biểu nhà khoa học tăng lên để phục vụ cho công tác lập pháp; mà cụ thể là tăng đại biểu chuyên trách là nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và thẩm định các dự luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn
Quốc hội là hình ảnh thu nhỏ của dân tộc, của đất nước nên cần bảo đảm tính đại diện khi giới thiệu người tham gia ứng cử bầu ĐBQH. Vừa qua, trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã nêu rõ phải lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vậy vấn đề “cơ cấu” và “chất lượng” cần được giải quyết thế nào?
Cho rằng, người đại diện cho một giai tầng xã hội không nhất thiết cứ phải là người đang làm nghề nghiệp hay thuộc tầng lớp đó, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn thẳng thắn cho rằng, một cá nhân mà nắm bắt được mọi vấn đề, nói được tất cả nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân và tiếng nói ấy trên diễn đàn Quốc hội tác động được vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thì cá nhân đó là đại diện thực tế cho giai cấp nông dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Nếu vẫn còn sự luẩn quẩn giữa yêu cầu đại diện thực tế và đại diện hình thức, thì quá trình lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu bầu ĐBQH, đại biểu HĐND trong không ít trường hợp vẫn rơi vào giới thiệu đại diện hình thức; nghĩa là được cơ cấu sẽ mất chất lượng. Do vậy, để tiến tới một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, theo ông Sơn, cần giảm bớt yêu cầu bảo đảm cơ cấu, hãy tập trung giới thiệu những cá nhân có đủ năng lực, trí tuệ và trách nhiệm để có thể thực sự gánh vác trọng trách người đại biểu nhân dân.
Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Hoa Sinh cũng đồng tình và cho rằng, “một người gánh nhiều cơ cấu quá thì không bảo đảm được chất lượng. Công tác tổ chức cán bộ do Đảng làm, hiệp thương do Mặt trận, bầu do cử tri. Làm thế nào chọn được đại biểu có kinh nghiệm, năng lực là việc không đơn giản. Nếu không chọn được những người có kỹ năng, am hiểu hoặc là có tố chất hoạt động đại diện cho cử tri bầu ra thì rất tiếc bởi một khóa hoạt động là 5 năm. Ngoài ra, phải tăng cường tuyên truyền cho cử tri hiểu về các ứng cử viên để lựa chọn cho đúng”.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sắp bắt đầu. Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc.
Lựa chọn cho được những đại biểu xứng đáng, trong đó lấy chất lượng đại biểu là nòng cốt chính là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Điều này phụ thuộc không nhỏ vào quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, coi trọng chất lượng ngay từ quy trình hiệp thương trong bầu cử. Do vậy, các cấp phải lãnh đạo tốt công tác nhân sự, giới thiệu những người có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tính của Đảng, Nhà nước./.
(Daihoi13.dangcongsan.vn)