Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, thông qua Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm và mong muốn của toàn bộ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Vấn đề hiện nay là làm sao tổ chức thật tốt việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện; phải “hành động, hành động và hành động để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống”.
Với tinh thần đó, ngày 9/3/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 01 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 8 nội dung lớn. Để triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, cần thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nhiệm vụ quan trọng sau đây:
Trước hết, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội để quán triệt, học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững và triển khai thực hiện đúng đắn, có hiệu quả Nghị quyết của Đảng. Sở dĩ Bộ Chính trị chỉ đạo phải tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết một cách sâu rộng là bởi, trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhận thức là khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng nhất. Có nhận thức đúng mới có hành động đúng, mới tạo được sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cũng từ đó mới triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo, có hiệu quả; mới phát huy được tinh thần và sức mạnh của cả dân tộc, biến chủ trương của Đại hội XIII trở thành hiện thực. Nội dung học tập, nghiên cứu, quán triệt bao gồm: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII. Bộ Chính trị giao cho Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để nghiên cứu, quán triệt; ở những nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật kết nối đường truyền thì mở điểm cầu tới cơ sở để triển khai học tập, quán triệt.
Thứ hai, khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động phải căn cứ vào các quyết sách lớn đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, với mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động phải cụ thể hóa được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ 2015 - 2020, không để ảnh hưởng đến nhiệm kỳ 2021 - 2025. Theo đó, nội dung chương trình hành động đòi hỏi phải phù hợp với tình hình thực tế của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị và đưa ra được lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm tính khả thi, chất lượng, hiệu quả; tránh tình trạng chung chung, hoặc sao chép lại của cấp trên. Hơn nữa, chương trình hành động phải tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và đông đảo Nhân dân, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; có như thế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống. Nội dung tuyên truyền: tiếp tục thông tin về kết quả Đại hội XIII của Đảng, qua đó khẳng định Đại hội đã thành công rất tốt đẹp; tuyên truyền công tác tổ chức quán triệt, học tập, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, các phong trào thi đua yêu nước…; đồng thời đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận kết quả Đại hội. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phong phú, sinh động, thiết thực và hiệu quả. Theo đó, các cơ quan báo chí cần tổ chức các tuyến tin, bài tuyên truyền, làm rõ những khái niệm, nội dung mới, cơ bản, quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng các chương trình, bài viết phân tích, đề xuất các chủ trương, giải pháp để đưa Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống; tổ chức các chương trình, chuyên mục bàn luận, hiến kế về nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết. Hệ thống tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị, các cuộc tiếp xúc với người dân để tuyên truyền, lan tỏa Nghị quyết Đại hội đến mọi đối tượng.
Thứ tư, để đảm bảo công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đạt hiệu quả, Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy và đặc biệt người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng tổ chức thực hiện. Theo lộ trình, Hội nghị toàn quốc và các hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, văn nghệ sỹ, báo cáo viên nòng cốt của các cấp ủy sẽ được tổ chức xong trong tháng 3; các tỉnh, thành ủy phải tổ chức xong việc quán triệt, học tập, nghiên cứu và xây dựng chương trình hành động trong quý II, đảm bảo sớm tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thứ năm, việc tổ chức Hội nghị quán triệt, học tập, nghiên cứu, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải kết hợp với thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị khác, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, an toàn.
Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng vào kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là tâm trạng chung của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức Đại hội thành công là quan trọng nhưng chỉ là kết quả bước đầu, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, vất vả. Vì vậy, điều quan trọng hơn là sau Đại hội phải làm thế nào để biến các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các quyết sách lớn của Đại hội trở thành hiện thực sinh động trong đời sống Nhân dân. Muốn vậy, phải nhanh chóng hành động để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên bế mạc Đại hội: “Bây giờ là đến lúc hành động, hành động và hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống” và “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động, đưa nghị quyết vào cuộc sống, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân”.
Mỗi người dân Việt Nam đều phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách lớn mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra sẽ đưa đất nước ta tiếp tục ổn định, không ngừng phát triển và đạt được mục tiêu là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đúng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
(Baolamdong.vn)