(ĐHXIII) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng đồng chí Trần Sỹ Thanh cùng tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và cơ quan Kiểm toán nhà nước tiếp tục lãnh đạo kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ cao cả đã được hiến định.
Sáng 12/4, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Hội nghị công bố Nghị quyết của Quốc hội về bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và bàn giao công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tại Hội nghị, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã công bố Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội cho đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết của Quốc hội cho đồng chí Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: QH)
Thay mặt lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Nghị quyết của Quốc hội cho đồng chí Trần Sỹ Thanh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tân Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh được Quốc hội bầu với số phiếu cao; đồng thời chúc mừng nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016-2021 và được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao đồng chí Trần Sỹ Thanh được đào tạo bài bản, trưởng thành từ ngành tài chính, được luân chuyển ở nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong quá trình công tác cả ở Trung ương và địa phương, có nhiều hiểu biết về kinh tế vĩ mô… thành thạo công tác kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng đồng chí Trần Sỹ Thanh cùng tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và cơ quan Kiểm toán nhà nước tiếp tục lãnh đạo kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ cao cả đã được hiến định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 4 nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước cần tập trung thực hiện:
Một là, tiếp tục thực hiện thật tốt nhiệm vụ cơ quan kiểm toán trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công; hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Đồng thời phải hỗ trợ rất tích cực cho Quốc hội trong công tác giám sát tối cao; góp phần quan trọng, tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chuẩn mực, quy trình về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, tăng cường kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Cùng với đó, cần đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán; chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận kiểm toán.
Ba là, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán có phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm, kỷ cương, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với kiểm toán, phải công minh, chính trực, khách quan, độc lập, vô tư, công bằng và phải cẩn thận, siêng năng về nghề nghiệp cao hơn mức độ tối thiểu cần thiết để có thể hoàn thành được trọng trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong quá trình hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cũng như trong hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công và tài chính công của Nhà nước.
Nhấn mạnh, đây là 4 nhiệm vụ lớn đã được Quốc hội nêu trong Nghị quyết đánh giá về công tác của các cơ quan Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cụ thể hóa thành các kế hoạch và chương trình công tác để triển khai thực hiện. Với khí thế mới, truyền thống tốt đẹp của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, trong những năm tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp trong 27 năm qua, đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa tạo nên những giá trị mới, thành công mới, phấn đấu xây dựng Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công hiện đại, có trách nhiệm và có uy tín trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã ký biên bản bàn giao công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ nỗ lực vượt bậc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, nhanh chóng tiếp cận với công việc mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, kết thúc nhiệm kỳ này, phải báo cáo được với Đảng, với Quốc hội, với nhân dân rằng ngành kiểm toán đã làm được gì cụ thể góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như nghị quyết của Quốc hội. Đó không chỉ là những con số xử lý về tài chính, mà còn là những vấn đề Kiểm toán Nhà nước góp phần tháo gỡ, tạo điều kiện để kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện thực sự. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ uy tín, danh dự của ngành Kiểm toán, nghề kiểm toán và người kiểm toán. Đây là trách nhiệm của từng kiểm toán viên, từng cán bộ, công chức của ngành kiểm toán. “Chúng ta không cho phép ai trong nội bộ được làm tổn hại đến thanh danh của nghề kiểm toán”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh./.