(ĐHXIII) – Đó là những lời hứa mà các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã hứa với các cử tri tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV tại các đơn vị bầu cử số 2, số 5, số 6. Các Hội nghị được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức ngày 10/5.
Tất cả các hội nghị đều được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu của các phường, xã trên địa bàn các quận, huyện.
Các đại biểu ngồi giãn cách tại điểm cầu Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm.
* Đơn vị bầu cử số 2 (gồm các quận Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Đông Anh) có 5 người ứng cử ĐBQH khóa XV, gồm: Ông Nguyễn Hữu Chính, Thành ủy viên, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Thẩm phán cao cấp; Ông Trương Xuân Cừ, Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Bà Ngô Thị Lục, Trưởng phòng Quản lý chương trình dự án, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội; bà Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV TP Hà Nội; Bà Lê Thị Hồng Nhung, Chi ủy viên Chi bộ Nhà hát Cải lương Hà Nội, diễn viên, Phó Trưởng đoàn Chuông Vàng Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm.
Phát biểu tại hội nghị, các ứng cử viên bày tỏ mong muốn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri; khi trúng cử, các ứng cử viên sẽ nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của ĐBQH. Qua đó, góp phần xây dựng Quốc hội ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua hoàn thiện pháp luật, chính sách, bảo đảm phát triển, hội nhập; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để kịp thời phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hữu Chính cho biết, sẽ phát huy kinh nghiệm trên cương vị Chánh án Tòa án nhân dân TP và kết quả hoạt động Quốc hội khóa XIV, xây dựng ngành Tòa án liêm chính, kỷ cương, trách nhiệm, luôn gần dân, hiểu dân, giúp dân và học tập nhân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo vệ quyền công dân; kiên quyết không để xảy ra oan sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết và không ngừng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án…
Ứng cử viên Trương Xuân Cừ cho biết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu là ĐBQH sẽ kiến nghị Quốc hội và các bộ, ngành chức năng xây dựng cơ chế, chính sách đối với người cao tuổi như hoàn thiện tổ chức bộ máy, hạ độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội, nâng mức bảo trợ xã hội...; tăng cường hoạt động xã hội hóa để có nguồn lực chăm sóc hội viên và người cao tuổi ngày càng tốt hơn; có cơ chế, chính sách phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội...
Ứng cử viên Ngô Thị Lục cho biết, với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bà sẽ tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em, nhất là đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đề xuất, phối hợp xây dựng các dự án, đề án thiết thực dành cho trẻ em như hỗ trợ trang thiết bị vui chơi ngoài trời, học bổng cho trẻ em vượt khó học tốt…, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội…
Ứng cử viên Bùi Huyền Mai cho biết sẽ tích cực giám sát các cơ quan của thành phố về cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với sự phát triển của thành phố. Đồng thời tham gia bàn và quyết định các giải pháp phát triển đất nước. Đồng thời sẽ đề xuất với Quốc hội ban hành chính sách để đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, tạo sự chuyển biến mạnh, bền vững về quản lý trật tự, xây dựng đô thị…
Ứng cử viên Lê Thị Hồng Nhung cho biết, nắm bắt những khó khăn của thanh niên trong vấn đề tìm kiếm việc làm, bà sẽ đề xuất, kiến nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng có những quyết sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ phát huy chất xám của những tri thức trẻ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất những giải pháp xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật bảo đảm tính toàn diện, chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng…
Tại hội nghị, cử tri quận Hoàn Kiếm đánh giá cao quá trình công tác của các ứng cử viên, đồng thời mong muốn các ứng cử viên trúng cử sẽ thực hiện tốt những vấn đề được nêu trong chương trình hành động. Cử tri cũng đề nghị các ứng cử viên nếu trúng cử cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển kinh tế - xã hội và quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; quan tâm các chính sách đối với người cao tuổi; nâng cao hơn nữa công tác phát hiện, bắt giữ, xét xử các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại thành phố...
Trao đổi về những vấn đề cử tri quận Hoàn Kiếm quan tâm, các ứng cử viên khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ và nỗ lực giải quyết các kiến nghị của cử tri nếu trúng cử ĐBQH khóa XV.
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV, tại quận Bắc Từ Liêm.
* Đơn vị bầu cử số 5 (gồm các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ và huyện Hoài Đức) có 5 ứng cử viên gồm: Bà Vũ Thúy Hiền, Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Ông Vũ Tiến Lộc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ khóa VIII, IX…; Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội; Bà Nguyễn Ngọc Yên, Phó Trưởng phòng Quản lý giáo dục - nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Bắc Từ Liêm.
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 5 ứng cử viên ĐBQH khóa XV.
Trình bày chương trình hành động, các ứng cử viên cho rằng, Bắc Từ Liêm là một trong 2 quận của Hà Nội mới được thành lập năm 2014 với 13 đơn vị hành chính cấp phường. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, quận đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, các ứng cử viên khẳng định sẽ nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, kiến nghị với Quốc hội có các chính sách lâu dài, ổn định và bền vững trên các lĩnh vực để diện mạo quận Bắc Từ Liêm và TP Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.
Các ứng cử viên cho biết, sẽ cố gắng tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn để có những đóng góp cụ thể, thiết thực, cùng Quốc hội giải quyết các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực; sẽ luôn gần gũi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các cử tri để đưa các vấn đề cử tri quan tâm thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Đồng thời, tích cực đóng góp xây dựng, cải cách thể chế cũng như các cơ chế chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh của quận Bắc Từ Liêm trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ phát triển các khu đô thị sinh thái, nông nghiệp sạch... Đồng thời, tham gia tích cực vào quá trình cải tiến hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng cường đối thoại, tranh luận; tham gia giải đáp, giải quyết các thắc mắc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri.
Phát biểu tại hội nghị, các cử tri quận Bắc Từ Liêm đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên; mong muốn các ứng cử viên khi được bầu làm ĐBQH khóa XV thực hiện đúng chương trình hành động của mình. Trong đó, cử tri quận Bắc Từ Liêm quan tâm đến các vấn đề như: Việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021; tình trạng người nước ngoài nhập cư trái phép trên địa bàn Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với thực tiễn; phát triển hạ tầng đô thị, nông nghiệp hiện đại tại quận Bắc Từ Liêm…
Tiếp thu ý kiến của cử tri, các ứng cử viên ĐBQH khẳng định sẽ truyền tải những ý kiến của cử tri đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền...
Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 tại điểm cầu UBND huyện Thanh Trì.
* Đơn vị bầu cử số 6 (quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và huyện Thanh Trì), 5 ứng cử viên gồm: Ông Phạm Đức Ấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, Hội thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội; ông Lương Thế Huy, chuyên gia chính sách về giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường; ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bà Lê Thị Thu Trang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Thanh Trì.
Tại Hội nghị, những người ứng cử ĐBQH khóa XV đã lần lượt trình bày chương trình hành động và tâm nguyện của mình khi được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH. Trong đó, một trong những nội dung được đa số ứng viên đề cập đó là việc mang tiếng nói của người dân đến gần hơn nữa với Quốc hội.
Các ứng cử viên trên từng địa vị công tác khác nhau đã đề ra những chương trình hành động phù hợp với chuyên môn của mình. Cụ thể, ứng cử viên Phạm Đức Ấn cho biết, nếu được cử tri tin tưởng bầu là ĐBQH khóa XV, ông sẽ tham gia tích cực vào công tác lập hiến, lập pháp góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo hành lang pháp lý đầy đủ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội…
Ứng cử viên Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, với những kiến thức được tích lũy trong lĩnh vực tư pháp, bản thân sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh, nhất là các quy định pháp luật về tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; với kiến thức pháp lý, kinh nghiệm nghiên cứu, hoạt động xã hội…
Ứng cử viên Lương Thế Huy cho biết, nếu trúng cử ĐBQH khóa XV, trên tinh thần lắng nghe tiếng nói của người dân, của chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm thế giới, ông sẽ tham gia xây dựng, phản biện các chính sách pháp luật và các dự án luật, tạo sức bật phát triển cho như đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề mà cử tri bức xúc tại địa phương…
Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước, ứng cử viên Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ quan tâm nhiều hơn đến tình hình thực tế để kiến nghị xây dựng pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thúc đẩy giáo dục, đào tạo phát triển; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo từ bậc mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và sau đại học…
Còn ứng cử viên Lê Thị Thu Trang bày tỏ sự quan tâm của mình đối với việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở. Bà cũng sẽ đề xuất ý kiến của mình để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở; kiến nghị, đề xuất với thành phố có chính sách thu hút nhân lực bác sỹ để tăng cường hỗ trợ tuyến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Sau khi lắng nghe các ứng viên trình bày chương trình hành động, cử tri tại 16 điểm cầu của huyện Thanh Trì đã dành nhiều câu hỏi cho các ứng cử viên về các vấn đề nóng hổi thu hút sự quan tâm của xã hội thời gian gần đây như: Hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục đạo đức cho sinh viên trường y, các giải pháp giảm áp lực cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19…/.
(Daihoi13.dangcongsan.vn)