KỶ NIỆM 96 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2021) Phát huy vai trò của báo chí cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng In trang
18/06/2021 07:44 SA

Kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trải qua 96 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta.

Description: Phóng viên Đài PT-TH Lâm Đồng phỏng vấn nhân vật. Ảnh: Thụy Trang

Phóng viên Đài PT-TH Lâm Đồng phỏng vấn nhân vật. Ảnh: Thụy Trang

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Nền báo chí của đất nước đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp; hiện cả nước có 779 cơ quan báo, tạp chí in; 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương; 1.510 trang thông tin điện tử, 228 mạng xã hội được cấp phép, hơn 41.000 người làm báo. Báo chí có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, là diễn đàn của Nhân dân; tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là trong giai đoạn đất nước ta phải căng mình phòng, chống đại dịch COVID-19. Báo chí cũng rất tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các hành vi, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với Nhân dân các nước, góp phần nâng cao uy tín, vai trò, vị thế Việt Nam trên thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông. Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”. Đây chính là định hướng hết sức quan trọng để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động trong thời gian tới.  

Một vấn đề đặt ra hiện nay, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều đột phá trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả báo chí, truyền thông. Trong xu thế chuyển đổi số, hoạt động của các cơ quan báo chí chuyển dần sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội mà còn phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để đảm bảo thực hiện tốt sứ mạng của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, người nghe từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới như đa nền tảng, tăng tính tương tác, để có thể đáp ứng nhu cầu khán giả.  

Đứng trước xu hướng trên, Báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa bản chất cách mạng, là công cụ tư tưởng, văn hóa của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Báo chí phải hướng đến mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, sáng tạo cho phát triển bền vững; từng bước xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời đại mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.  

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thiết nghĩ, trong thời gian tới, công tác báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:  

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung thông tin, tuyên truyền những thành tựu to lớn của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Mục tiêu tổng quát, tầm nhìn đến năm 2045 và hai điểm nhấn quan trọng của Đại hội, đó là “Đổi mới, sáng tạo” và “Khát vọng, ý chí phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tuyên truyền các định hướng lớn và nhóm nhiệm vụ, giải pháp chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng toàn diện, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển bền vững đất nước.  

Thứ hai, cùng với các binh chủng khác trong ngành Tuyên giáo, báo chí phải chủ động, tích cực thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa. Tăng cường phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Báo chí, truyền thông phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. 

Thứ ba, tiếp tục khẳng định vị thế, chiếm lĩnh được công chúng và giữ vững được vai trò, chức năng định hướng dư luận trong điều kiện các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet đang phát triển rất mạnh mẽ, tác động lớn đến xã hội và cạnh tranh với báo chí cả về thông tin, tài chính, nhân lực, công chúng. Báo chí cần phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn, hiệu quả thông tin; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng với bảo đảm định hướng chính trị, tư tưởng của nội dung thông tin. Do đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo phải nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới cả về phương thức quản lý và tác nghiệp báo chí để đưa đến công chúng những thông tin chuẩn xác, kịp thời, sinh động và hấp dẫn. 

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác và hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo. Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh; thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo; quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí. Đội ngũ phóng viên, nhà báo cần tích cực đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

(Baolamdong.vn)

Lượt xem: 2.671
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003986676
  •  Đang online: 52
  •  Trong tuần: 4.049
  •  Trong tháng: 65.900
  •  Trong năm: 1.288.051