(ĐCSVN) – Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của Nhân dân.
Hình ảnh tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.
Có thể nói, trong một số cuộc họp gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến việc gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Theo Tổng Bí thư, “tiêu cực” nguy hiểm nhất chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống rồi dẫn đến tham nhũng. Còn tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực.
Cái khó trong phòng, chống tiêu cực không như phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng có thể đong đếm thành tiền bạc, nhưng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất khó định lượng.
Trên thực tế, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đi vào chiều sâu, có chuyển biến rõ nét và đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Hơn bảy năm, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến cuối năm 2020, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 1.900 vụ án tham nhũng, với hơn 4.400 bị can. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, cố ý làm trái như nhiệm kỳ khóa XII của Đảng…
Những kết quả đạt được khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Công tác này thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; được quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó nguyên nhân cơ bản là do công tác phòng, chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Những điều này đã được người đứng đầu Đảng ta nêu rõ tại một số cuộc họp.
Trong khi đó, tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, một trong những điểm mấu chốt được người đứng đầu Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh là không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vì vậy, có thể nói, việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đây là chủ trương rất đúng cả về lý luận, thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì thực tế cho thấy, những vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đưa ra xét xử thời gian qua đều có yếu tố “tiêu cực”. Và đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tiêu cực là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống và cũng là nhiệm vụ hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ trong nhiệm kỳ này. Hơn nữa đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực bao giờ cũng là việc khó, nhạy cảm, phức tạp. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị, thực trạng này sẽ bị đẩy lùi.
Đây cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực của “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu sẽ tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, góp phần vào việc xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của Nhân dân./.
(Dangcongsan.vn)