Bài viết của Tổng Bí thư: Kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới đất nước In trang
23/11/2021 03:35 CH

Những phân tích, luận giải về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa làm sáng rõ, là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới đất nước.

Bai viet cua Tong Bi thu: Kim chi nam cho cong cuoc doi moi dat nuoc hinh anh 1

Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước. (Nguồn: TTXVN)

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" được công bố ngày 16/5/2021, nhiều nội dung về chủ nghĩa xã hội, vì sao Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội... đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luận giải rõ ràng, thể hiện tính thời sự và tính định hướng sâu sắc.

Bài viết đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng sâu rộng, được sự đón nhận của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như được bạn bè, các chính đảng, chính khách, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận và dư luận quốc tế đánh giá cao.

Cách nhìn khoa học, đa chiều và toàn diện

Theo nhiều nhà nghiên cứu lý luận, ý nghĩa của bài viết phải được nhìn nhận, đánh giá, xem xét trong bối cảnh thực tiễn hiện nay. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết, phải nhận thấy lý do tại sao Tổng Bí thư lại công bố bài viết quan trọng tại thời điểm lịch sử này.

Đầu tiên, Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra thành công rất tốt đẹp. Bài viết nhằm tiếp tục hướng dẫn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiểu rõ hơn chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đây là thành tựu rất quan trọng về nhận thức lý luận qua 35 năm đổi mới, đồng thời cũng định hướng cho công tác xây dựng Đảng về tư tưởng lý luận được làm rõ tại Đại hội XIII vừa qua.

Bên cạnh đó, bài viết công bố trong thời điểm lịch sử, khi đất nước kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 110 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước và 80 năm Ngày Bác trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Từ những sự kiện quan trọng đó, Tổng Bí thư khẳng định chúng ta đang đi trên con đường đúng mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra từ thập niên 1930. Đồng thời, vấn đề về nhận thức chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phải dựa chắc vào lý luận khoa học của chủ nghĩa Marx-Lennin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một điểm đáng lưu ý nữa là Tổng Bí thư công bố bài viết trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là nhiệm kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Các vấn đề không chỉ nêu ra quyết sách cho nhiệm kỳ 2021-2026, mà còn cho những vấn đề lớn, lâu dài hướng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, Quốc hội khóa XV có nhiệm vụ thể chế hóa những quan điểm của đại hội, đồng thời hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chia sẻ về nội dung bài viết, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, bài viết đã phân tích, làm rõ 5 luận điểm mới có ý nghĩa rất quan trọng.

Trước hết, Tổng Bí thư khẳng định thành tựu của chủ nghĩa tư bản là không thể phủ nhận và đây là những thành tựu, tiến bộ chung của nhân loại; vì vậy chúng ta cần phải tiếp thu một cách có chọn lọc. Điều này rất quan trọng, bởi vì từ trước đến nay, cũng có một số người cho rằng tất cả cái gì của phong kiến, tư bản, của chế độ cũ là xấu xa, sai trái và đi đến phủ nhận sạch trơn. Đấy là cách nhìn bảo thủ, mang nặng màu sắc đối đầu ý thức hệ, rạch ròi giữa ta và địch, bạn và thù, cái gì của ta cũng tốt, cái gì của địch cũng xấu.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ."

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đã nói tới ba khía cạnh, ba nội hàm, ba tư cách của chủ nghĩa xã hội. Đó là chủ nghĩa xã hội như một học thuyết, một phong trào và một chế độ. Cách nhìn chủ nghĩa xã hội như vậy rất khoa học, đa chiều và toàn diện hơn. Bởi vì, nếu ai đó chỉ nhìn chủ nghĩa xã hội như một phong trào thì dễ bị dao động vì sự "đi lên hay đi xuống" của phong trào đó. Nếu chỉ nhìn chủ nghĩa xã hội như một học thuyết thì dễ thấy nó bị "xơ cứng, giáo điều, lạc hậu." Còn nếu nhìn nó như một chế độ thì e rằng thực tiễn ở Liên Xô và các nước Đông Âu làm cho người ta dễ hoài nghi.

Thứ ba, chúng ta vẫn thường nói Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng trong bài viết này, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là chỉ bỏ qua những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản như bóc lột, áp bức, bất công, thói hư tật xấu nhưng không bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa và có sự kế thừa chọn lọc. Chúng ta cần phải sáng suốt, tỉnh táo và kế thừa có chọn lọc những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được như công nghệ, kinh tế, y học...

Thứ tư, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo Tổng Bí thư đó là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, đó là không giống với bất kỳ một mô hình nào trên thế giới; hay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự đột phá về mặt lý luận. Những điều đó mang tính chất đặc trưng riêng của Việt Nam, chỉ của Việt Nam.

Cuối cùng, đánh giá cao kết luận của Tổng Bí thư trong bài viết: "Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống," Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh cho rằng Tổng Bí thư đã thể hiện quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của việc học đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn chặt chẽ với thực tiễn, học có phê phán, có sáng tạo, tuyệt đối không được giáo điều, máy móc dẫn đến tình trạng xơ cứng, trì trệ và lạc hậu. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải luôn luôn nâng cao tinh thần học tập, tiếp thu một cách sáng tạo trên tinh thần phê phán, chỉ có như vậy chúng ta mới được "truyền thêm sinh lực mới."

Đột phá lý luận cơ bản và sáng tạo của Đảng

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhận định: Trong bài viết, Tổng Bí thư đã phân tích trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, xác đáng, đầy sức thuyết phục về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Bai viet cua Tong Bi thu: Kim chi nam cho cong cuoc doi moi dat nuoc hinh anh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư khẳng định: "Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới." Cả lý luận và thực tiễn chứng minh nhận định trên của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng đắn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc phân tích, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, xuất hiện từ rất xa xưa, được phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự bản thân kinh tế thị trường không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản.

Mặc dù, kinh tế thị trường là mô hình phát triển phổ quát, có những đặc điểm chung, có những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực chung, vận động theo những quy luật chung..., nhưng ở mỗi quốc gia, kinh tế thị trường có sắc thái riêng, dấu ấn riêng. Không thể có nền kinh tế thị trường ở nước này lại là bản sao của kinh tế thị trường ở nước khác.

Trên thế giới đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế thị trường như kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Cộng hòa Liên bang Đức, kinh tế thị trường cộng đồng trách nhiệm (hay phối hợp) ở Nhật Bản, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc... "Lần đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người, trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường xuất hiện mô hình kinh tế thị trường mới - kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây thật sự là "một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta..." - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.

Qua thực tiễn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, một thành quả lý luận quan trọng được khẳng định: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, là sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta và là con đường, phương thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì nền kinh tế là nền kinh tế quá độ, không thể có ngay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của thế giới vừa vận dụng, phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một thể thống nhất bao gồm hai mặt gắn bó biện chứng hữu cơ với nhau, là kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước...

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội

Trong bài viết, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: "Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển."

Bai viet cua Tong Bi thu: Kim chi nam cho cong cuoc doi moi dat nuoc hinh anh 3

Nhiều tuyến phố treo cờ Tổ quốc để chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng đây là luận điểm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, trở thành chủ trương, đường lối và cụ thể hóa thành chính sách qua các giai đoạn phát triển của Việt Nam.

Quan điểm này thực sự nhất quán với chủ trương lấy con người làm trung tâm, mọi thành quả phát triển của đất nước cũng là vì con người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó được thực hiện ngay từ buổi đầu cách mạng, trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc và từ khi đất nước độc lập, thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới đến nay. Chúng ta nhất quán thực hiện kể cả những lúc "khó khăn nhất, ngàn cân treo sợi tóc" trong chiến tranh và cho đến ngày nay: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như Tổng Bí thư đã khẳng định.

Quan điểm trên cho thấy chúng ta không chờ đến khi kinh tế phát triển ở trình độ cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay từ đầu, trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Sự gắn kết này phải bảo đảm tính thống nhất hữu cơ, có cơ sở khoa học, không khiên cưỡng và mâu thuẫn.

Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội phải tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; vừa thúc đẩy giải phóng sức sản xuất xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng là điều lý giải vì sao Việt Nam, từ một điểm xuất phát thấp, bị chiến tranh tàn phá, trong bối cảnh thế giới với nhiều biến động phức tạp, khó lường vẫn vững vàng, giữ vững ổn định, từng bước thực hiện phát triển nhanh và bền vững, đạt và về trước nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Trong suốt 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Quy mô kinh tế đứng thứ tư trong ASEAN, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 62 tuổi năm 1990 tăng lên 73,7 tuổi năm 2020. Chăm sóc sức khỏe, y tế cho người dân luôn được quan tâm. Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay, Việt Nam luôn được thế giới đánh giá cao về các biện pháp bảo vệ người dân, chống dịch có hiệu quả...

Có thể khẳng định, những phân tích, luận giải về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa làm sáng rõ, là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới của đất nước trong thời gian tới. Nhân dân tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta sẽ tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

(Daihoidang.vn)

Lượt xem: 1.208
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003862246
  •  Đang online: 144
  •  Trong tuần: 28.679
  •  Trong tháng: 76.965
  •  Trong năm: 1.163.621