Cần bổ sung định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật In trang
07/11/2020 07:48 CH

(ĐHXIII) - Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện rất sắc nét các nội dung về nhà nước pháp quyền XHCN và đi cùng với đó là một tầm nhìn mang tính chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp trong giai đoạn 2021-2030.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng quan trọng trong phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là“Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Ảnh: TH.'

TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Ảnh: TH.

Từ góc độ của người làm công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhận thấy, dự thảo đã thể hiện rất sắc nét các nội dung viết về nhà nước pháp quyền XHCN và đi cùng với đó là một tầm nhìn mang tính chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp trong giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Cương phần đánh giá tổng quát thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII, còn thiếu vắng nội dung quan trọng là các thành tựu trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật. TS Nguyễn Văn Cương đề nghị bổ sung nội dung: “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước khá căn bản, cân đối trên mọi lĩnh vực, không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế” trong phần đánh giá mang tính tổng quát về thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII.

Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, nhất trí với 12 định hướng lớn, tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Cương cho rằng, việc đặt thứ tự ưu tiên của các định hướng còn chưa thực sự hợp lý, chưa phản ánh đúng tầm quan trọng của một số định hướng. Trong định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (định hướng 10) cần bổ sung định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.

Đặc biệt, khi so sánh với Văn kiện Đại hội XII của Đảng, phần viết về nền tư pháp còn thiếu một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong nguyên tắc tổ chức và vận hành nền tư pháp đó là bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp). Ảnh: TH.

Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp). Ảnh: TH.


Do vậy, TS Nguyễn Văn Cương cho rằng, rất nên kế thừa nội dung của Văn kiện Đại hội XII, bổ sung nội dung “bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Từ thực tiễn công tác theo dõi thi hành pháp luật cho thấy, ông Phan Hồng Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị, về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bên cạnh khẳng định “xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch” thì yếu tố “có chi phí tuân thủ thấp” cần được bổ sung. Thực tiễn cho thấy doanh nghiệp rất quan tâm đến yếu tố này và đây cũng là một trong những chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyên, thực tế cho thấy, hoàn thiện pháp luật đã có bước tiến đáng kể nhưng đưa pháp luật vào cuộc sống để thi hành còn nhiều vấn đề cần bàn. Nên theo ông Nguyên, từ việc đưa pháp luật vào cuộc sống, pháp luật được thực thi như thế nào sẽ là cơ sở để xem xét, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh đó, liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “bảo đảm phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ…” cần bổ sung thêm điều kiện “thượng tôn pháp luật” vì đó là cốt lõi của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á. Ảnh: TH.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á. Ảnh: TH.


Cho rằng trên thực tế xảy ra không ít trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước vừa ban hành văn bản xong, chưa kịp thực hiện đã thu hồi, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, chính xác của hệ thống pháp luật, Luật sư Thuật đề nghị nên thành lập Tòa án Hiến pháp để xem xét tất cả các quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng như các cơ quan chức năng khác, đảm bảo tính khách quan của việc ban hành và tuân thủ pháp luật…/.

Đề cập đến việc xây dựng thiết chế nền tư pháp hiện đại, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á kiến nghị rằng cần nhấn mạnh đến công tác cải cách tư pháp và phải quy định một cách cụ thể, rõ ràng chứ không chỉ nêu chung chung về cải cách các thiết chế.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.220
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003088790
  •  Đang online: 44
  •  Trong tuần: 21.104
  •  Trong tháng: 11.113
  •  Trong năm: 390.165