Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng "sức khỏe", sự chịu đựng của nền kinh tế In trang
24/02/2021 07:19 SA

(ĐHXIII) - Đây là đề xuất của ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tại phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/2.

Tiếp tục phiên họp thứ 53, sáng 23/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là "Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân", kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Hằng năm đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn; không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội đề ra.

"Trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần "khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân" - ông Mai Tiến Dũng nói.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dõi sát tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng với phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình. Phối hợp, điều hành các chính sách vĩ mô theo hướng đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%. Trước tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Tăng trưởng năm 2020 ước đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.

Kết quả nổi bật khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến đó là đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Chính phủ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xử lý công việc trên môi trường mạng để giảm giấy tờ; đã ban hành 71 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số và lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Các kết quả nổi bật khác được nêu trong báo cáo là: Chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân...

Thẩm tra báo cáo trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

Đồng thời bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá, phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như về công tác điều hành của Chính phủ trong thực hiện 03 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; việc chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược; tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông so với yêu cầu về tiến độ trong Nghị quyết số 63/2018/QH13; cơ cấu thu ngân sách nhà nước; kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...

Một nhiệm kỳ rất thành công của Chính phủ

"Đây là một nhiệm kỳ rất thành công" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá. Bởi trong hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp, Chính phủ đã vững vàng chèo lái sự điều hành quản lý của mình để được những kết quả hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Cơ bản nhất trí những kết quả đạt được trong báo cáo Chính phủ nêu, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh những điểm nổi bật của nhiệm kỳ qua. Theo Chủ tịch Quốc hội, dấu ấn rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý điều hành; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. 

Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã rất quan tâm, đặc biệt là hệ thống pháp luật về kinh tế để tạo động lực, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, trong nhiệm kỳ Chính phủ đã giữ vững được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống một cách nhuần nhuyễn, hài hòa, mềm mỏng song rất hiệu quả.

Đáng chú ý, khi đất nước đứng trước hiểm họa thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ đã xử lý nhanh và kiểm soát được tình hình, có nhiều giải pháp hiệu quả được nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế ca ngợi...

Chủ tịch Quốc hội nói: “Dưới góc độ là cơ quan giám sát tối cao, là Chủ tịch Quốc hội tôi rất ấn tượng về Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ”.

Bên cạnh những kết quả ấn tượng đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tình trạng những tồn tại, bất cập trong quản lý điều hành thường đổ do hệ thống pháp luật chậm sửa đổi, bổ sung…Theo chủ tịch Quốc hội, khi nói đến bất cập của hệ thống pháp luật phải chỉ rõ pháp luật chồng chéo thì chồng chéo ở đâu, luật nào, điều khoản nào…bởi nếu hệ thống pháp luật không tốt thì không thể điều hành tốt được.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn trong báo cáo về việc xử lý những tồn tại cũ còn chậm và thúc đẩy những cái mới  chưa nhanh, trong đó có việc xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn còn chưa nhanh, chưa kịp thời. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Bộ trưởng, người đứng đầu trước Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong hoạt động quản lý của từng lĩnh vực.

Tham gia góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ông có nhiều ấn tượng sâu sắc trong nhiệm kỳ 5 năm qua của Chính phủ.

Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là Chính phủ đã thực hiện vai trò quốc tế của Việt Nam rất xuất sắc. Điều này thể hiện qua việc tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017; vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021... Đặc biệt là chúng ta tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, được cả thế giới quan tâm.

Cũng theo ông Giàu, dấu mốc khác là hội nhập sâu rộng qua việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

“Đây là những hiệp định mở ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là tác động mở rộng thị trường, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, là thước đo để chúng ta đánh giá tăng năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm” – ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cho biết ấn tượng với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế cải thiện rõ rệt; công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ, ông đề xuất Chính phủ cần quan tâm đánh giá đúng thực trạng "sức khỏe", sự chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của người lao động, người dân trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài. Bởi chính sách trước đây dự báo dịch bệnh sẽ kết thúc chấm dứt sớm và nhưng hiện giờ dịch bệnh đã kéo dài, cho nên cần phải đánh giá sâu thêm.

Đặc biệt, theo ông, cần mở rộng, cho phép đầu tư vào các công trình trọng điểm và mới để tăng tổng cầu thực hiện mục tiêu kép và các vấn đề cấp bách.

Ông cũng lưu ý, nên tập trung chiến lược, sách lược để khai thác và tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại; quan tâm nhiều hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp, khu vực đồng bào miền núi, vùng dân tộc...

Bày tỏ sự nhất trí với các nội dung trong báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ luôn thực hiện theo tư tưởng thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật được quan tâm, nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng được tổ chức. Một điểm nhấn khác là Chính phủ đã tập trung cải cách hành chính, tạo trục liên thông văn bản, điều này có ý nghĩa rất lớn. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan tham mưu của Quốc hội, Chính phủ có sự phối hợp rất tốt.

Góp ý về một số nội dung trong báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Bởi tỉ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 15% GDP. Do đó, Tổng Thư ký cho rằng, ngành nông nghiệp chỉ là trụ đỡ khi xảy ra tình huống bất thường, thiên tai, dịch họa… Bên cạnh nhiều kết quả đạt được trong nhiệm kỳ của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng còn một số hạn chế trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong nhiệm kỳ vừa qua chưa thực hiện được như những vướng mắc trong Luật Đất đai. Về quản lý, điều hành kinh tế vẫn chưa có những công trình trọng điểm quốc gia đưa vào hoạt động. Về những bài học kinh nghiệm, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng cần nhấn mạnh thêm bài học về tinh thần trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.341
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003899332
  •  Đang online: 73
  •  Trong tuần: 73
  •  Trong tháng: 114.051
  •  Trong năm: 1.200.707