Đề xuất nhiều giải pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững In trang
29/01/2021 07:18 SA

(LĐ online) - Sáng 28/2, các đại biểu tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về Văn kiện Đại hội; đồng thời, tham luận, làm rõ thêm nhiều nội dung và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương... Báo Lâm Đồng trích đăng và giới thiệu đếu bạn đọc một số tham luận được trình bày tại Đại hội trong buổi sáng nay. 

Description: http://baolamdong.vn/dataimages/202101/original/images2343935_tra.jpg

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp 

Tham luận tại Đại hội đầu buổi sáng hôm nay, Thứ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, khẳng định cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Sau khi điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước, cũng như nêu lên những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, Thứ Trưởng Bộ Nội vụ đã đề xuất 6 giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước trong giai đoạn tới.  

Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, giải pháp trước hết là tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. 

Tiếp đến, tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính nhà nước.  

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.  

Bốn là, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Năm là triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại.  

Cuối cùng là tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. 

Description: http://baolamdong.vn/dataimages/202101/original/images2343938_mai.jpg

 

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi: Chú trọng phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh

 

Trong bài tham luận của mình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đồng bằng Sông Cửu Long cả về phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng - an ninh. Đồng chí cho rằng, với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, đồng bằng Sông Cửu Long hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Đề cập sâu đến những khó khăn, thách thức của đồng bằng Sông Cửu Long phải đối mặt, đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất hướng phát triển của vùng trong thời gian tới, đó là phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới, đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp thực tiễn, lấy tri thức khoa học, công nghệ làm nền tảng. Để thực hiện mục tiêu này cần có giải pháp đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã được đề ra. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Bến tre đã kiến nghị Trung ương 4 nội dung trọng tâm nhằm phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Đó là: Tạo cơ chế chính sách để đồng bằng Sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng, chú trọng phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng cường đầu tư cho giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng trong giai đoạn phát triển mới...  

Description: http://baolamdong.vn/dataimages/202101/original/images2343939_dam.jpg

 

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Nie Kđăm: Cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN  

Khẳng định vị trí, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển kinh tế đất nước; điểm lại những kết quả nổi bật của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Nie Kđăm đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. 

Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với DNNN trong thời gian tới. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp, nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.  

Thứ hai là sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay, làm cơ sở cho DNNN hoạt động, tận dụng được thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN.  

Thứ ba, rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. 

Thứ tư, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Cuối cùng là nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các DNNN vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các DNNN sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và các quy định của pháp luật.  

Description: http://baolamdong.vn/dataimages/202101/original/images2343940_tuaan1__1_.jpg

 

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ 

“Giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, thúc đẩy phong trào thanh niên tình nguyện, xung kích, sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu của cách mạng, góp phần thực hiện mục tiêu, tầm nhìn của Đảng đến năm 2030 và khát vọng 2045 gắn với hai mốc lịch sử quan trọng của Đảng và của đất nước”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh trong bài tham luận của mình. 

Cùng với việc nêu bật những kết quả quan trọng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng đã chỉ rõ những hạn chế trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thời gian qua. Để góp phần thực hiện có hiệu quả những chủ trương, quan điểm của Đảng đối với thế hệ trẻ trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định tập trung thực hiện 3 giải pháp quan trọng như: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn theo tinh Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”; trong đó, kiên trì và kịp thời đổi mới cách thức phổ biến, học tập lý tưởng cách mạng, lý luận chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên. Đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ và các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên, xem đây là biện pháp trung tâm trong giáo dục, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, tập trung vào những “phẩm chất” nổi bật của thanh niên. Nâng cao chất lượng đoàn viên, nhất là chất lượng tư tưởng chính trị và tính tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh của đoàn viên; chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. 

Description: http://baolamdong.vn/dataimages/202101/original/images2343941_ha.jpg

 

Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí

Tham luận tại Đại hội, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà nhấn mạnh đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Thấm nhuần tư tưởng đó của Bác, trong quá trình hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và coi đó là nhiệm vụ then chốt. 

Trên cơ sở các quy định của Trung ương, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tổ chức quán triệt nghiêm túc và cụ thể hóa thành các quy định cụ thể về nêu gương sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức đảng, từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, đưa nội dung nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao vào kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. 

 Đi kèm với đó là đổi mới phong cách, lề lối làm việc; bảo đảm dân chủ, không độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân. Bên cạnh đó, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp gắn với đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Đồng chí cho rằng, để việc nêu gương hiệu quả, thiết thực hơn nữa, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, cụ thể là 5 nội dung sau:  

Một là, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Hai là, nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để mọi người đều thấy rằng nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên; đồng thời, chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể. Ba là, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện lý tưởng đạo đức cách mạng của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; dũng cảm tự phê bình và phê bình. Bốn là, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có khoan nhượng, không có đặc quyền, đặc lợi, không có điểm dừng”. 

Description: http://baolamdong.vn/dataimages/202101/original/images2343942_hung.jpg

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Mở ra không gian phát triển mới cho đất nước 

Tham luận về chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đây là năm dấu mốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm định hình tầm nhìn cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông trong 10 năm tới. Trong đó, ngành Thông tin và Truyền thông xác định chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Việt Nam. 

Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. 

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. 

Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”. Đây cũng chính những vấn đề mà ngành thông tin và truyền đã và đang nỗ lực triển khai trong thời gian tới.  

“Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.  

Với sự quyết tâm, đồng lòng, với sức mạnh truyền thống, văn hoá và trí tuệ Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra, góp phần đưa đất nước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển một Việt Nam hùng cường, vững mạnh.

(Baolamdong.vn) 

Lượt xem: 2.084
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003049315
  •  Đang online: 36
  •  Trong tuần: 15.757
  •  Trong tháng: 77.187
  •  Trong năm: 350.690