Đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang khu vực và thế giới In trang
23/12/2020 09:03 SA

(ĐHXIII) – Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục, để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới hiện nay, Đại hội XIII cần làm sâu sắc hơn các nội dung tập trung về định hướng phát triển ngành, về nguồn nhân lực của ngành giáo dục cũng như về tự chủ giáo dục Đại học...

Hình ảnh của một lớp học tiểu học tại Hà Nội (Ảnh: T.Hương)

Những ngày này, khi thời gian chuẩn bị đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cận kề, các dự thảo văn kiện, báo cáo chính trị được người dân cả nước hết sức quan tâm đóng góp ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới, trong đó có nội dung về đổi mới giáo dục, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đất nước...

Kỳ vọng đổi mới giáo dục, tạo nền tảng cho sự phát triển

Thực tế cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong điều kiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; có nhiều thành tích nổi bật như giáo dục Mầm non đã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, tại các kỳ thi quốc tế trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đạt kết quả cao và ổn định, tạo uy tín cho bạn bè thế giới.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục vẫn rất cần tiếp tục triển khai các chính sách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, xây dựng mục tiêu hội nhập ở cấp Trung học phổ thông, trang bị các kỹ năng cần thiết cho học sinh để có hành trang vững chắc hội nhập thế giới...

Dịp này, nhiều người dân bày tỏ hy vọng Đại hội XIII sẽ tạo đột phá mới trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực đời sống xã hội.

Để tạo điều kiện cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, nhiều ý kiến cho rằng, Đảng cần đề ra giải pháp giám sát việc phân bổ và quyết toán ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ và giáo dục; đảm bảo được tỷ lệ đề ra và phù hợp tình hình thực tế của nền kinh tế.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học viên; chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế; cần đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội và cũng quan tâm tập trung những thành phố lớn cả nước hiện nay như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng...

Hơn nữa, trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh phát triển trí tuệ, cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ của con người Việt; đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, trong ảnh là các bạn lớp nhà trẻ tại một trường mầm non ở Hà Nội (Ảnh: HNV)

Lớp nhà trẻ tại một trường Mầm non ở Hà Nội. (Ảnh: HNV)

Quan tâm phát triển nguồn lực con người

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Điều này cũng được người dân đặc biệt lưu ý, theo họ, Đại hội XIII cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra những định hướng chính sách nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ trẻ, thanh niên tài năng và có chính sách để thanh niên người dân tộc phát triển kinh tế... để thu hút thêm nữa không chỉ thanh niên tài năng trong nước mà còn thanh niên tài năng đang du học, học tập, làm việc tại nước ngoài về phục vụ cho đất nước.

Thêm vào đó, các chính sách phát triển nguồn nhân lực của thanh niên người dân tộc thiểu số cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sức mạnh của văn hóa cộng đồng - một thế mạnh đặc thù của người dân tộc thiểu số; cần xây dựng cơ chế hỗ trợ về kinh doanh ưu tiên cho các thanh niên dân tộc người thiểu số để tạo động lực phát triển kinh tế trong cộng đồng người dân tộc.

Đảng cũng liên tục nhấn mạnh và khẳng định vai trò của công tác cán bộ, coi cán bộ là cái gốc, là quyết định mọi sự thành bại của mọi vấn đề. Vì vậy, vấn đề nhân lực, cán bộ trong nhiệm kỳ tới cần được lựa chọn kỹ, bố trí nhân lực phải sát với thực tiễn trong trào lưu hiện tại của thời đại công nghệ 4.0; cần phát huy và mạnh dạn trao cơ hội cho trí thức trẻ, làm sao xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.

Bản thân dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII lần này cũng đã đề cập tới những vấn đề then chốt cho sự phát triển trong giai đoạn sắp tới, trong đó có việc xác định phát triển nguồn nhân lực cao là một vấn đề lớn, một đột phá chiến lược cho sự phát triển. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy để thúc đẩy đất nước phát triển, yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo nên những đột phá quan trọng cho sự phát triển.

Trong vấn đề đó, đặc biệt chú ý tới công tác giáo dục. Người xưa thường nói "vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người" để chứng minh tới vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự nghiệp "trồng người". Theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định: phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng dân tộc và miền núi là một trong ba khâu đột phá chiến lược vừa mang tính cấp bách vừa cho lâu dài, trọng tâm là đổi mới cơ bản công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề cho vùng nhằm đẩy mạnh và tạo chuyển biến rõ nét về giáo dục đào tạo; nâng cao dân trí, trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trong vùng và sự nghiệp đổi mới đất nước

Tự chủ giáo dục đại học phù hợp xu hướng phát triển mới

Hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học (GDĐH), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.

Đáng chú ý, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập, đến nay, cả nước đã có gần 30 trường đại học (ĐH) triển khai mô hình tự chủ.

Đối với việc triển khai thí điểm tự chủ này, các trường đánh giá, thay đổi lớn nhất là quá trình thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên (GV) giỏi để thay đổi toàn bộ cách thức giảng dạy, đánh giá giúp sinh viên (SV) đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Nhưng nút thắt lớn nhất vẫn là ở chính sách pháp luật. Việc thay đổi liên tục, bổ sung thêm nhiều quy định và đôi lúc gây chồng chéo khiến không ít trường chưa kịp quen đã phải… làm lại từ đầu. Mặc dù Luật GDĐH hiện hành đã nhấn mạnh quyền và nghĩa vụ của các trường trong triển khai mô hình tự chủ. Thế nhưng, vừa làm theo quy định này, các trường lại thấy vướng vào quy định khác nên rất khó bảo đảm toàn quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ. Một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai.

Chương trình Tọa đàm trực tuyến của sinh viên báo mạng điện tử Học viện Báo chí Tuyên truyền thực hiện theo yêu cầu môn học (Ảnh: PV)

Chương trình Tọa đàm trực tuyến của sinh viên báo mạng điện tử Học viện Báo chí Tuyên truyền thực hiện theo yêu cầu môn học.(Ảnh: PV)

Chưa kể, vấn đề mà nhiều trường ĐH tự chủ đang gặp phải là nguồn thu lớn nhưng chủ yếu đưa vào ngân hàng vì không được toàn quyền tái đầu tư.

Bên cạnh việc vướng luật, hạn chế thực quyền, quá trình tự chủ của các trường ít nhiều bị ảnh hưởng bởi vai trò chưa trọn vẹn của hội đồng trường. Hiện nay, một số trường ĐH khẳng định theo mô hình tự chủ nhưng chưa có hội đồng trường hoặc hội đồng trường mới ở mức hình thức để hợp thức hóa các việc làm của hiệu trưởng. Chính điều này đang cản trở tính tự chủ tại không ít cơ sở GDĐH. Có ý kiến cho rằng phải đề nghị về phương diện thí điểm phải vượt qua một số quy định, thậm chí cả luật, cái gì chưa sửa mà cản trở sự phát triển. Tự chủ ĐH là giải pháp mang tầm chiến lược để phát triển ĐH, khó chỗ nào gỡ chỗ đó.

Trong điều kiện hiện nay, muốn thực hiện thành công mô hình tự chủ cần thay đổi tư duy từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô. Điều này sẽ giúp mở rộng khung pháp lý, giúp các trường ĐH tiến dần đến tự chủ thật sự chứ không phải vướng chỗ này, hạn chế chỗ kia như mấy năm qua. Cùng với việc hoàn thiện chính sách, tăng trao thực quyền, nhiều ý kiến cho rằng cần xóa dần khoảng cách về tự chủ giữa trường công với trường tư. Khi ngang nhau về cơ chế, chính sách và đặt trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt về tuyển sinh, đào tạo như hiện nay, tự thân các trường sẽ thay đổi để phát triển. Khi đã hội đủ cơ chế đồng bộ, điều các trường cần có là thái độ tích cực từ phía người lao động. Muốn vậy, cần cổ phần hóa trường ĐH và trao cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên cổ phần tương xứng để họ phấn đấu, nỗ lực hết mình thay vì cứ giữ thái độ muốn được bao cấp như hiện nay.

Về cơ bản, người dân đều mong muốn Đại hội tới đây sẽ phát huy trí tuệ, đưa ra những quyết sách để tháo gỡ cho giáo dục  trong giai đoạn hiện nay, nhanh chóng đưa giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục tiên tiến trong khu vực. Và các ý kiến đều thống nhất cao rằng, cần xây dựng cơ chế dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục đào tạo từ mầm non đến đại học, dạy nghề. Đào tạo bồi dưỡng, sử dụng tuyển chọn và đãi ngộ thỏa đáng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thu hút được người tài làm giáo dục. Nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt khoa học giáo dục và khoa học quản lý./.

(daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 2.308
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003897026
  •  Đang online: 124
  •  Trong tuần: 124
  •  Trong tháng: 111.745
  •  Trong năm: 1.198.401